Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1440188
Đang online: 25

          Các bài viết và sưu tầm
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” vào xây dựng văn hóa Trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
28/05/2024 1:55:13 CH

Đời sống mới là một tác phẩm kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào ngày 20 tháng 3 năm 1947 với mục đích  lãnh đạo, chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống mới, tạo nguồn lực về vật chất, tinh thần cho cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Gần 80 năm qua, “Đời sống mới” vẫn là tác phẩm mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Việc vận dụng những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm vào xây dựng văn hóa Trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới tại Trường Chính trị Ninh Bình là rất cần thiết.

Tác phẩm “Đời sống mới” với cách viết dưới dạng bài báo phỏng vấn, ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự từ I đến XIX, trình bày theo cách hỏi-đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản, từ mục đích, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Sau gần 80 năm, tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng con người mới, xã hội mới giai đọan hiện nay. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ  rõ việc thực hành đời sống mới là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi giới và mọi người:“… thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”(1). Cần, kiệm, liêm, chính như cách trình bày của Người trong tác phẩm không phải xa lạ, không khó khăn. Nếu mỗi người đều cố gắng sẽ thực hiện được một cách hiệu quả.

Nói về đạo đức mới, Người giải thích rằng không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách... “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới…”(2). Về cách thức thực hiện đời sống mới, Người cho rằng, tiến hành đời sống mới “không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm”(3). Đời sống mới bao gồm đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới chung cho cộng đồng, tập thể như các gia đình, làng xã, bộ đội, các nhà máy, trường học, công sở,...

Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về ứng xử văn hóa của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kế hoạch số 466-KH/HVCTQG, ngày 17/9/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn, Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện “Quy định về ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình (Ban hành kèm theo Quyết định số 500-QĐ/TCT, ngày 17 tháng 12 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình), góp phần quan trọng vào việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn mức 1 vào năm 2024; cơ bản đạt chuẩn mức 2 giai đoạn 2026 - 2030.

Những giá trị cốt lõi trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu và vận dụng vào việc xây dựng văn hóa trường đảng tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đạt hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua, các chương trình hành động gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao thiết thực, cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; cán bộ, đảng viên, người lao động cũng như học viên tích cực thực hiện tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hằng ngày, tạo môi trường làm việc kỷ cương, văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả.

Hằng năm Trường luôn được đánh giá là cơ quan văn hóa. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ công việc (Trường đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất), song Trường vẫn bố trí nơi làm việc cho các đơn vị phòng, khoa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu  và phục vụ của  giảng viên; bố trí phòng học phù hợp cho học viên; đội ngũ cán bộ, giảng viên và người lao động có thái độ nghiêm túc, lịch sự, đúng mực khi tiếp đón, trao đổi công việc với học viên thể hiện phong cách mẫu mực của người cán bộ, giảng viên Trường đảng trên giảng đường và trong cuộc sống; đội ngũ viên chức và người lao động của Trường tích cực rèn luyện và gương mẫu chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là kỷ luật phát ngôn, có ý thức tổ chức và sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; đội ngũ viên chức và người lao động Trường có ý thức xây dựng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công công vô tư, trung thực, giản dị, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, nhất trí cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiều năm liền Đảng bộ Trường đạt Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trường được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Quy định về ng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình, p phần xây dựng văn hóa trường Đảng theo tinh thần của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn, cần tiếp tục đẩy mạnh việc vận dụng những nội dung cơ bản trong tác phẩm “Đời sống mới” hoạt động thực tiễn trên các phương diện cụ thể sau:

Đối với chữ “CẦN”, yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động của Trường nhận thức rõ: Cần được hiểu là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Lười biếng là kẻ thù của chữ cần, là có tội với đồng bào, với Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc; thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với chữ “KIỆM”, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động cần nhận thức rõ Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào. Từ đó, luôn nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, phải kiên quyết không xa xỉ, chống lãng phí, phải biết tổ chức thì mới tiết kiệm được sức lực, thời giờ và vật liệu.

Đối với chữ “LIÊM” được hiểu: Liêm là trong sạch, không tham lam địa vị, quyền hành, vật chất. Kẻ tham lam là có tội với nước, với dân. Thực hành chữ “Liêm”, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính; thi đua thực hành liêm khiết, giữ liêm sỉ, biết xấu hổ khi mình làm những việc trái với chữ “Liêm”. Người có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo.

Đối với chữ “CHÍNH” được hiểu: Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Thực hành chữ “Chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động cần: Có tinh thần đấu tranh với những việc làm sai trái, tránh trường hợp làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả;  Cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý của mình

Với quyết tâm xây dựng, phát triển toàn diện mô hình trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn với 05 giá trị cốt lõi “Kỷ cương, đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, dân chủ” và phương châm “Mỗi giảng viên là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Mỗi học viên là một tấm gương sáng trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện”. Kế thừa và phát huy những giá trị trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Ninh Bình quyết tâm tạo dựng một môi trường văn hoá ngày càng giàu tính Đảng, phát huy giá trị văn hóa Đảng trong mọi hoạt động của nhà trường, làm cho các giá trị văn hóa trường đảng (chuẩn mực về tri thức, niềm tin, thói quen, lý tưởng, truyền thống...) được thể hiện cốt lõi ở những chuẩn mực trong quy tắc ứng xử, giao tiếp trong thực thi công việc, trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên, học viên và người lao động lan tỏa sâu, rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội./.

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 113.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.

             Ths. GVC Đinh Khắc Trung

                                                Khoa Xây dựng Đảng



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay


Chi tiết  
Phát huy vai trò của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình trong phổ biến, giáo dục, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở


Chi tiết  
Một số giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm và rèn luyện của học viên tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình hiện nay


Chi tiết  
Một số kết quả đạt được về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
Tuổi trẻ Ninh Bình: Sôi nổi, thiết thực các hoạt động trong Tháng Thanh niên


Chi tiết  
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình vận dụng sáng tạo những lời dạy của Người qua Hội thảo khoa học cấp Trường “Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nội dung và giá trị thời đại”


Chi tiết  
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về “tự phê bình và phê bình” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với hoạt động công tác của bản thân


Chi tiết  
Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com