Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1480206
Đang online: 28

          Các bài viết và sưu tầm
Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay
16/07/2024 9:55:37 SA

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, dân số trên 01 triệu người, với tổng 313.812 hộ. Để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” và Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng chính sách đầy đủ, tốt nhất.

1. Những kết quả nổi bật

Ngay sau khi Chỉ thị 38-CT/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW được ban hành, cùng với hướng dẫn triển khai, thực hiện của các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết đến toàn thể cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nhằm triển khai một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 44 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Điển hình như: Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 31/5/2013 về việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 10/6/2016 về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 14/10/2013 về quy định hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách tỉnh để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người từ 75 tuổi đến 79 tuổi chưa có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 61/2022/NQ-HĐND ngày 27/10/2022 về việc quy định hỗ trợ kinh phí đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 24/6/2013 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trong đó đề ra mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, phấn đấu có trên 85% số người dân tham gia BHYT; Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 05/6/2014 (thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 29/3/2013); Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 22/3/2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 06/4/2021 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 17/8/2022 về việc thực hiện Quyết định số 546/QĐTTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 28/12/2016 quy định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình;...

Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh để mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh[i]. Cụ thể: hỗ trợ thêm 20% mức đóng cho học sinh, sinh viên ngoài 30% theo quy định (tổng mức hỗ trợ là 50%); hỗ trợ thêm 20% mức đóng đối với hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình ngoài 30% theo quy định (tổng mức hỗ trợ 50%); hỗ trợ thêm 30% mức đóng đối với hộ cận nghèo ngoài 70% mức hỗ trợ theo quy định (tổng mức hỗ trợ là 100%); hỗ trợ 100% mức đóng đối với người từ 70 tuổi đến 79 tuổi, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho toàn bộ người dân các xã an toàn khu. Việc ban hành các chính sách này đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với người dân, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tạo đà hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh”. Năm 2022, chương trình đã trao tặng 1.215 thẻ BHYT với tổng kinh phí ủng hộ mua thẻ BHYT là 690.346.800 đồng. Năm 2023, trao tặng 575 thẻ BHYT với tổng kinh phí ủng hộ mua thẻ BHYT là 278.478.000 đồng[ii].

Nếu như việc thực hiện BHYT hộ gia đình từ năm 2009 - 2014 đạt tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng (số người dân tham gia BHYT hộ gia đình năm 2011 có 37.992 người tham gia) thì đến năm 2015 đã có bước chuyển biến tích cực, đã có 73.290 người tham gia (trong đó 880 người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và 72.410 người tham gia thuộc hộ gia đình khác). Những năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền vận động số người tham gia BHYT hộ gia đình đã có sự bứt phá, đến hết năm 2023 toàn tỉnh đạt 276.696 người tham gia, trong đó 193.356 người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và 83.340 người tham gia thuộc hộ gia đình khác3.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT và quản lý Quỹ BHYT được Sở Y tế chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, 100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện liên thông với cơ quan BHXH phục vụ cho công tác quản lý khám chữa bệnh và giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT; 100% các cơ sở đã xây dựng và áp dụng quy trình khám bệnh mới, thực hiện rút số khám bệnh tự động đảm bảo tính khách quan, công bằng cho người bệnh. Từ năm 2016, BHXH tỉnh đã quyết liệt triển khai Hệ thống Thông tin giám định BHYT, kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu các tuyến tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, BHXH tỉnh triển khai Hệ thống giao dịch điện tử áp dụng đối với cả tổ chức và cá nhân, cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) ở mức độ 4, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC ngành BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia và ứng dụng VssID tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tỉnh để tổ chức thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trên địa bàn; đã triển nhiều giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, tích cực tham gia các đề án, dự án nâng cao năng lực chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh. Hằng năm, ngành Y tế cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước…; đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế có trình độ đại học, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Y tế đã phối hợp với các Trường đại học Y, Dược tổ chức đào tạo bác sỹ, dược sỹ theo địa chỉ tuyển dụng. Kết quả đến năm 2018 đã đào tạo và tuyển dụng được 150 bác sỹ, dược sỹ về làm việc tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã, về cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đã tiếp nhận hàng trăm lượt cán bộ y tế từ các bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh, đồng thời cử cán bộ từ các bệnh viện tuyến tỉnh về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến huyện. Nhờ vậy, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện bền vững hàng trăm kỹ thuật, trong đó có những kỹ thuật khó mà trước đó chỉ thực hiện tại tuyến trung ương như: phẫu thuật sọ não, can thiệp mạch, lọc máu, thận nhân tạo, phẫu thuật phaco, cắt tử cung qua nội soi….; các cơ sở tuyến huyện cũng tiếp nhận nhiều kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến tỉnh như: phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, cắt túi mật, phẫu thuật lấy thai lần hai, phẫu thuật kết hợp xương. Cùng với việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, phong cách ứng xử của nhân viên y tế cũng được nâng cao. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" tỉnh Ninh Bình; đồng thời tổ chức cho các đơn vị điều trị thuộc tuyến tỉnh và huyện ký cam kết thực hiện. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng đã có những bước chuyển biến rõ rệt, năng lực chuyên môn phát triển khá đồng đều ở các tuyến: tuyến xã đã thực hiện trên 90% các dịch vụ kỹ thuật trong “Gói dịch vụ y tế cơ bản” cho tuyến y tế cơ sở; các đơn vị tuyến huyện, tuyến tỉnh đã thực hiện được từ 60% trở lên các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến Bộ Y tế quy định; trong đó có nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật mũi như: tán sỏi thận qua da, điều trị u xơ tiền liệt tuyến bằng Laser, tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học có bóng, bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung, thở máy HFO trong Nhi khoa... đã tạo điều kiện cho người bệnh được thụ hượng những dịch vụ kỹ thuật tiến tiến tại địa phương.

Số lượng cơ sở khám chữa bệnh BHYT tăng dần theo các năm: năm 2009, toàn tỉnh có 129 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thì đến năm 2023 đã có 190 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, trong đó cơ sở khám chữa bệnh BHYT tuyến xã, tuyến huyện của năm 2009 lần lượt là 100 và 22 thì đến năm 2023 con số này lần lượt là 135 và 45, sự gia tăng này kết hợp với chính sách “Thông tuyến” đối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh giữa các cơ sở khám chữa bệnh, đòi hỏi sự phát triển về chất lượng chuyên môn cũng như đổi mới phong cách phục vụ để thu hút người bệnh. Người dân đã ngày càng tin tưởng vào chính sách BHYT, số người bệnh sử dụng thẻ BHYT đến khám tại các cơ sở KCB ngày càng tăng: năm 2009 có 1.147.371 lượt khám chữa bệnh BHYT thì đến năm 2023 toàn tỉnh có 1.748.006 lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 52,34%. Đặc biệt các cơ sở y tế tuyến huyện đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị: nếu như năm 2009, số lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện là 757.265 thì đến năm 2023 con số này là 1.019.039 so với năm 2009, tăng 34,56%4.

2. Những hạn chế, khuyết điểm

Từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT có xu hướng tăng trưởng chậm, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Năm 2022, có 103.982 người tham gia BHYT hộ gia đình tự nguyện thì năm 2023 chỉ còn 83.340 người tham gia5.

Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động tiếp tục diễn ra và ngày một gia tăng. Vẫn còn có đơn vị sử dụng lao động chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Cán bộ, viên chức làm công tác tuyên truyền và cộng tác viên tuyên truyền ở các nhân viên thu BHXH, BHYT kỹ năng còn yếu.

Tinh thần, thái độ phục vụ của một số ít nhân viên y tế chưa tốt, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; vẫn còn tình trạng cán bộ y tế chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chỉ định thuốc và vật tư y tế chưa đúng quy định về chuyên môn. Trình độ chuyên môn một số ít giám định viên về y, dược còn hạn chế, cập nhật kiến thức chưa kịp thời, còn nể nang, thiếu kiên quyết trong giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Cơ sở vật chất của một số cơ sở y tế, nhất là tuyến xã xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám chữa bệnh

3. Một số giải pháp chủ yếu

Để tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHYT nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương, thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị số 38- CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ nhằm phát triển ổn định, bền vững đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về BHYT. Các cơ quan quản lý nhà nước về BHYT phối hợp chặt chẽ trong quản lý đối tượng, quản lý quỹ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách cho người tham gia BHYT. Chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHYT, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trong đó chú trọng đến hình thức đối thoại trực tiếp. Ngoài việc tuyên truyền về quyền lợi của người tham gia BHYT, cần tập trung tuyên truyền về trách nhiệm của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh, các chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi, lợi dụng quỹ BHYT.

Bốn là, tăng cường năng lực chuyên môn trong khám chữa bệnh. Tiếp tục đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, phát triển kỹ thuật, giảm chuyển tuyến trong điều trị; xây dựng và chuẩn hóa quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong khám chữa bệnh, chỉ định thuốc, dịch vụ cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán và tình trạng bệnh.; tổ chức tốt việc khám sàng lọc, đưa vào điều trị nội trú phù hợp với tuyến điều trị, tăng cường điều trị ngoại trú, triển khai điều trị nội trú ban ngày, rút ngắn ngày điều trị trung bình; cung ứng đủ thuốc, hóa chất, sinh phẩm phục vụ người bệnh; kiểm soát chi phí sử dụng thuốc; nâng cao năng lực quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm theo quy định, thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình của Bộ Y tế.

Năm là, đẩy mạnh việc phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện thu đúng, thu đủ, khắc phục tình trạng nợ đọng BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT; việc thực hiện đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Chú trọng công tác sơ, tổng kết, tăng cường công tác thi đua, khen thưởng trên cơ sở giao các chỉ tiêu kế hoạch một cách cụ thể.

Sáu là, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu hồi tiền chậm đóng BHYT của các doanh nghiệp vi phạm trên địa bàn; kiên quyết xử phạt vi phạm đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT tại một số doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT, chống lạm dụng, trục lợi, sử dụng an toàn quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Tóm lại, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT, cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành liên quan trong đó cơ quan BHXH đóng vai trò trung tâm để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ BHYT, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng chính sách đầy đủ, tốt nhất, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của tỉnh. Song trên thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; ý thức chấp hành pháp luật về BHYT từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân nên chưa chủ động tham gia BHYT hoặc còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, cấp uỷ, chính quyền các cấp và ngành Y tế của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt sáu nhóm giải pháp chủ yếu nêu trên./.

                                                             Nguyễn Thị Hoa Nhài

                                                                     Trưởng khoa Lý luận cơ


[i] Nghị quyết số 61/2022/NQ-HĐND ngày 27/10/2022 về việc quy định hỗ trợ kinh phí đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

[ii],3,4,5 Báo cáo số 63-BC/BCSĐ ngày 21/3/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ninh Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên


Chi tiết  
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam


Chi tiết  
Một số giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop ở tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
Những giá trị thiết thực từ Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng Hội thi học viên giỏi lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình”
Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị do Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình tổ chức là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học viên; tạo diễn đàn để học viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hiệu quả học tập trong học tập lý luận chính trị.



Chi tiết  
Phát huy vai trò của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình trong phổ biến, giáo dục, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở


Chi tiết  
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” vào xây dựng văn hóa Trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
Một số giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm và rèn luyện của học viên tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình hiện nay


Chi tiết  
Một số kết quả đạt được về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
Tuổi trẻ Ninh Bình: Sôi nổi, thiết thực các hoạt động trong Tháng Thanh niên


Chi tiết  
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình vận dụng sáng tạo những lời dạy của Người qua Hội thảo khoa học cấp Trường “Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nội dung và giá trị thời đại”


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com