Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có “mục đích kép”: vừa
bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của quốc gia dân tộc; vừa
đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản
động, chống đối, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất.
Để phát huy vai trò của đội ngũ
giảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trường Chính trị tỉnh Ninh
Bình đã luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo và phát huy năng lực của đội
ngũ cán bộ, giảng viên góp phần lan tỏa rộng rãi nhận thức, niềm tin, ý chí cách
mạng và sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội tới
học viên, Nhân dân. Nhà trường luôn quan tâm công tác phát triển đội ngũ giảng
viên, thường xuyên chọn cử giảng viên tham gia nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng để
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đầu tư, về cơ sở vật
chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên của
Trường có 32 người, trong đó có 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 30 thạc sĩ. 100%
giảng viên có trình độ cao cấp lý luận
chính trị; có 29/32 người có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh. Những năm qua, giảng viên của Nhà trường đã chủ động,
tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó thực hiện tốt
vai trò người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Thứ nhất, các giảng viên luôn nâng
cao ý thức, trách nhiệm học tập, nghiên cứu nhằm bổ sung tri thức chính trị, chống
suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, khẳng định vị thế, bản lĩnh người giảng
viên Trường Đảng của tỉnh.
Thứ hai, 100% giảng viên tích cực,
chủ động tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức lý
luận chính trị mà hạt nhân là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Thứ ba, trong các bài giảng của
mình, giảng viên đã lồng ghép tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích
cực phê phán các quan điểm sai trái, phân tích, giảng giải cho người học thấy
rõ âm mưu, hình thức, chiêu trò chống phá của thế lực thù địch.
- Thứ tư, giảng viên tích cực
tham gia viết bài lan toả giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, về tinh thần yêu nước, về ý chí cách mạng, về sự kiên định với mục tiêu độc
lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội… đăng trên Thông tin lý luận thực tiễn,
website của Trường, website “Việt Nam thịnh vượng” của Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh; động viên học viên các lớp Trung cấp lý luận tham gia cuộc thi
viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” với tổng số hơn 100 bài…
Bên cạnh những kết quả đạt được công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh vẫn
còn một số hạn chế như: trong một số bài giảng chưa có sự gắn kết nhiều giữa lý
luận với thực tiễn địa phương; chưa có những phân tích, luận giải sâu sắc về một
số vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn; nhiều bài giảng thường chỉ tập trung vào
tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà ít có lập luận đấu tranh, phản
bác các quan điểm, sai trái, thù địch; còn một số giảng viên chưa phát huy tốt
năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... Số lượng bài viết của giảng
viên trong 3 năm (2022, 2023, 2024) được đăng trên website “Việt Nam thịnh vượng”
chưa nhiều (có 13/48 bài được đăng)…
Nhằm phát huy năng lực bảo vệ nền
tảng tư tưởng của giảng viên, thời gian tới Trường Chính trị tỉnh cần tập trung
thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, đối với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và
chi bộ các khoa phòng:
- Tiếp tục làm tốt công tác định
hướng cán bộ, giảng viên nâng cao nhận thức và tinh thần tự giác thực hiện vai
trò trách nhiệm của mình trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái,
xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng định hướng
tuyên truyền để giảng viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm của họ trong giảng dạy,
nghiên cứu chính là quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
- Quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện tốt các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện thời gian, kinh phí khi cử đội
ngũ giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận
chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
- Có biện pháp tích cực hơn nữa
trong việc khuyến khích giảng viên, học viên tham gia đầu tư, nghiên cứu nâng
cao chất lượng các bài dự thi chính luận thông qua việc ghi nhận, tôn vinh,
khen thưởng đối những người tham gia nhiều loại hình (hoặc có nhiều bài dự
thi), người đạt giải cao, những tập thể có đông người tham gia.
- Tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35,
thành viên, cộng tác viên của Trường nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản
động.
- Đa dạng hóa cách thức tổ chức,
quản lý, kiểm tra, đánh giá quá trình đào tạo lý luận chính trị như tự luận, vấn
đáp, trắc nghiệm có lồng ghép phù hợp nội dung đấu tranh vào các bài thi, kiểm
tra nhằm đánh giá thực chất nhận thức, chất lượng, hiệu quả đào tạo lý luận
chính trị.
- Tiếp tục tăng cường việc đa dạng
hóa các hình thức, phương pháp giảng dạy tích cực, với sử dụng các thiết bị kỹ
thuật hiện đại để thiết kế các bài giảng, tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
thêm sinh động, có sự tương tác đa chiều để cung cấp thêm nhiều thông tin, dữ
liệu cho người học. Linh hoạt tổ chức lớp học theo hướng mở, giảm thời gian giảng
dạy trực tiếp, tăng thời gian trao đổi, thảo luận, nghiên cứu thực tế; tăng cường
phát huy suy nghĩ độc lập của người học, làm việc nhóm, nghiên cứu và tìm hiểu
vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả học tập,
qua đó tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, đối với đội
ngũ giảng viên cần:
- Nhận thức sâu sắc tính chất rất
nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phân biệt rõ những
người có quan điểm sai trái, thù địch với những người có nhận thức lệch lạc,
phiến diện, những người góp ý kiến phê bình thiếu tính xây dựng để có cách thức
tiếp cận và đấu tranh phù hợp.
- Phát huy vai trò của giảng viên
thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung vào
những vấn đề:
+
Nâng cao tinh thần cảnh giác và khả năng “miễn dịch” đối với các quan điểm sai
trái, thù địch; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nhận diện rõ, sàng lọc
chuẩn xác thông tin; tích cực đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ.
+ Nâng cao bản lĩnh cách mạng, củng
cố niềm tin và nỗ lực phát triển bản thân, sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp đào
tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Tỉnh. Có ý thức bảo vệ, lan tỏa, phát triển nền
tảng tư tưởng của Đảng.
+ Tích cực đổi mới phương thức tiếp
cận và sử dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy, tuyên truyền, nhằm làm rõ biểu
hiện của việc suy thoái về tư tưởng chính trị, có thể dẫn đến việc bị lợi dụng
để tuyên truyền cho các thế lực thù địch. Đồng thời, làm tốt vai trò truyền lửa,
nâng cao ý chí, niềm tin cách mạng đến người học. Tăng cường khả năng phân tích,
luận giải rõ ràng, đánh giá vấn đề bảo đảm tính khách quan, khoa học để học
viên có nhận thức đúng, tư tưởng đúng trong từng nội dung bài giảng.
Đặc biệt mỗi giảng viên cần “làm
mới” mình thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ
chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp...
đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Như
vậy, xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp, đội ngũ giảng viên tiếp tục phát huy vai
trò của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái là tất yếu khách quan. Bên cạnh đó, cần khai thác, phát huy hơn
nữa vai trò đó trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Làm tốt công
tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà, trong đó
có năng lực nhận diện, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch.
ThS. Trịnh Thị Hoà
Khoa Nhà nước và pháp luật
|