Phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối, chủ trương lớn
của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật
chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội hướng đến xây dựng một nước Việt Nam dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là sự đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn lãnh đạo sự
nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kết quả một quá trình tìm tòi, thể
nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày
càng sâu sắc hơn.
Ở Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng đưa ra chủ trương phát triển
nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đến Đại hội IX (năm 2001) Đảng xác định:
“phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường,
có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Chủ trương trên đánh
dấu bước ngoặt cơ bản trong tư duy và quan niệm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng
ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được bổ sung,
phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng
định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng
quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế
thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật
của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai
đoạn phát triển của đất nước”2.
Những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đất nước
đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ một nước
bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao
vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung
bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần
60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc
nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền
kinh tế tăng hơn 95 lần, từ 4,5 tỷ USD năm 1986 lên 430 tỷ USD năm 2023, đứng
thứ 35 thế giới3. Thực tiễn là vậy, song các thế lực thù địch
lâu nay vẫn thường xuyên đưa ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương
đúng đắn này của Đảng hòng mưu toan chống phá công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta có
thể nhận diện luận điểm sai trái đó ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, kinh tế thị trường là sản phẩm
chủ nghĩa tư bản. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa (?!)
Thứ hai, kinh
tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại
trừ nhau, nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế Việt Nam sẽ
phát triển nhanh hơn, đạt được kết quả to lớn hơn hiện tại rất nhiều(?!)
Thứ ba, Việt Nam coi kinh tế tư nhân
là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc thừa nhận đưa đất
nước phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa(?!)
Những quan điểm trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối
là xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta, tạo tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin đến một bộ phận
cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận
thức, tư tưởng trong xã hội.
Để phản
bác luận điểm “kinh tế thị trường là sản phẩm
chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là đưa đất nước phát triển theo
con đường tư bản chủ nghĩa”(?!), chúng ta cần làm rõ kinh tế thị
trường có phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản không?
Kinh tế
thị trường thực chất là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa. Các quy
luật của kinh tế thị trường như quy luật lợi nhuận bình quân, quy luật giá cả sản
xuất thực chất là sự chuyển hóa, sự phát triển của quy luật giá trị thặng dư,
quy luật giá trị của sản xuất hàng hóa. Sự phát triển của sức sản xuất đạt đến
một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho kinh tế
hàng hóa (trình độ cao là kinh tế thị trường) ra đời. Đó là phân công lao động
xã hội và sự tách biệt tương đối giữa những người sản xuất hàng hóa. Những điều
kiện ấy đã xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại hiện nay, cả
ở trong chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của
chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, chủ
nghĩa tư bản đã biết tận dụng và phát huy những ưu điểm của kinh tế thị trường
để phục vụ cho lợi ích của các nhà tư bản, để củng cố sự tồn tại và phát triển
của mình. Do đó, Việt Nam hay bất cứ một nước nào hoàn toàn có thể áp dụng mô
hình kinh tế thị trường để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mỗi nước có
điều kiện cụ thể về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, khác nhau nên việc vận
dụng mô hình kinh tế thị trường cũng không giống nhau. Việt Nam đã lựa chọn mô
hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thực hiện mục tiêu xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam
giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đối với
luận điểm kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau, nếu bỏ
“cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế đất nước còn phát triển
nhanh hơn, đạt được kết quả còn lớn hơn nhiều (?!) Kinh tế thị trường trình độ phát cao của kinh tế hàng hóa, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản,
chủ yếu, cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như: phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm
môi trường, khủng hoảng kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng, độc hại… Vì vậy, khi vận dụng phát triển kinh tế thị
trường cần phải có sự quản lý của nhà nước để khắc phục những hạn chế, khuyết tật.
Hiện nay không có một quốc gia nào tồn tại một nền kinh tế thị trường thuần
túy. Cụ thể, nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển như
kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển,
kinh tế thị trường phối hợp ở Nhật Bản... dù ở mức độ khác nhau, song đều có định
hướng xã hội, như phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm thiểu bất bình đẳng xã
hội… Tuy nhiên định hướng xã hội của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không
thể vượt qua được khuôn khổ, bản chất của chủ nghĩa tư bản. Đó vẫn là xã hội mà
quyền lợi, và lợi ích thuộc về số ít người là giai cấp tư sản.
Ở Việt
Nam, kinh tế thị trường gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu nâng cao
vai trò quản lý của Nhà nước nhằm phát huy tốt nhất những mặt tích cực, hạn chế
tối đa mặt tiêu cực của kinh tế thị trường để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc
biệt Nhà nước đó do Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công
nhân lãnh đạo. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng nhấn mạnh “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự
vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá
con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng
xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các
giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá
bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự
phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong
lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm
đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”4.
Quan điểm phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng,
phù hợp với các quy luật phát triển, là xu hướng tiến bộ, văn minh của xã hội
loài người chứ không phải là những yếu tố đối lập nhau như các thế lực phản động
hiện đang rêu rao.
Đối với
luận điểm Việt Nam coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh
tế, đồng nghĩa với việc thừa nhận đưa đất nước phát triển theo hướng tư bản chủ
nghĩa (?!) Xây dựng đất nước từ một nền
kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, kiệt quệ sau các cuộc chiến tranh, việc tồn tại nhiều
hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế là tất yếu khách quan, là đặc điểm
kinh tế cơ bản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trải qua từng
giai đoạn, từng thời kỳ, quan điểm của Đảng về các thành phần kinh tế có sự
thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Tuy có
sự điều chỉnh, thay đổi về tên gọi cũng như xác định vai trò, nhưng mục tiêu hướng
đến là khơi dậy và phát huy mọi thế mạnh của tất cả các phần kinh tế, đóng góp
chung vào công cuộc đổi mới. Với thành phần kinh tế tư nhân, Đảng ta từ không
thừa nhận, đến thừa nhận sự tồn tại và xác định vai trò là động lực quan trọng.
Việc Đảng ta thông qua Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 tại Hội nghị Trung
ương 5 khóa IX“Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo
điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” và Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 tại
Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động
lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã tạo động
lực mới, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và
chất lượng không ngừng nâng cao năng suất lao động, góp phần đưa kinh tế - xã hội
đất nước phát triển. Đến Đại hội Đảng khóa XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển
kinh tế… Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn,
tiềm lực mạnh có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế”5. Đây
là bước tiến rất quan trọng trong nhận thức và tổ chức thực hiện nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hiện đại và hội nhập.
Với chủ
trương đúng đắn, sau gần 40 năm
đổi mới kinh tế tư nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển, theo Diễn
đàn kinh tế tư nhân lần thứ II (tổ chức ngày 02/4/2023 tại Hà Nội), hiện cả nước
có hơn 786 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm 98% trong tổng số hơn 800 nghìn
doanh nghiệp; đóng góp trung bình 46,4% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021,
riêng năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách6. Doanh
nghiệp tư nhân đã chiếm lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh
tế, như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, sản xuất và lắp ráp ô tô, vận
tải, hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, nông
nghiệp… Khu vực kinh tế tư nhân đã có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp
tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao, góp phần quan trọng phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước như các tập đoàn Vingroup, Sun Group, Trường Hải
Thaco, Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG, T&T Group, Vietjet, TH… Trong
đó, có những thương hiệu không những được ghi nhận ở thị trường trong nước mà ở
cả thị trường khu vực và quốc tế.
Bằng
việc lập luận, phản bác những luận điểm sai trái về nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là sự đột phá trong tư duy lý luận
và thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên cần
nhận thức đầy đủ trách nhiệm, vai trò hết sức quan trọng của bản thân trong việc
tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng đấu tranh phản bác các luận điệu
sai trái, thù địch giúp củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng
thời nâng cao nhận thức và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các
thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng trong tình hình mới nhằm bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng.
Chú
thích:
(1) Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb
CTQG, H. 2001, tr. 86.
(2) Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb
CTQGST, H. 2021, tr. 128.
(3)https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-119240728083015243.htm
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 25.
(5). Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST,
H. 2021, tập 1,tr.130.
(6) .https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-mot-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia.html.
Ths. Phan Thị Hiền
Khoa Lý luận cơ sở
|