Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vừa là
trách nhiệm, vừa là tình cảm của Đảng, của thế hệ đi trước đối với thanh niên;
đồng thời đây còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm bồi dưỡng, rèn luyện lực
lượng xung kích cho hiện tại và tương lai của đất nước.
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ,
có diện tích tự nhiên gần 1.500 km2, dân số trên 1 triệu người. Tỉnh
có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện và 02 thành phố), 143 xã, phường, thị
trấn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 198.148 thanh niên (từ 16-30 tuổi), chiếm
20,4% dân số và chiếm 38,4% lực lượng lao động xã hội trong tỉnh; trong đó:
thanh niên nông thôn chiếm 82%; thanh niên thành thị chiếm 18%. Toàn tỉnh có 08
huyện, thành Đoàn và 06 Đoàn trực thuộc với 308 tổ chức cơ sở Đoàn bao gồm
44.222 đoàn viên đang sinh hoạt tại 3.093 Chi đoàn. Với quan điểm “Xây dựng
Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước”, quán triệt sâu sắc Nghị quyết
số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Kết luận số 80-KL/TW
ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số
25-NQ/TW, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã luôn
dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đặc biệt, trực tiếp và toàn diện tới
thanh niên và công tác thanh niên.
1. Những kết quả nổi bật
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 10 năm
thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã
lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi vào thực tiễn cuộc sống; tạo ra những
chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác thanh niên, trong đó có
nhiều bước, nhiều khâu đột phá, mang lại những bước tiến mới về lý luận và thực
tiễn, tạo nên động lực thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh niên phát triển
mạnh mẽ và đạt được kết quả quan trọng trên các mặt công tác.
Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng,
giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện
nay, các cấp ủy đảng luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức giáo
dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hoá, ý thức công dân, góp phần hình
thành thế hệ thanh niên giàu lý tưởng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, hoài
bão, khí phách và năng lực thực tiễn. Để thanh niên được học tập, không ngừng
nâng cao trình độ, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền,
cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho thanh niên có môi trường tốt nhất để học tập
nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho
thanh niên được hưởng thụ các chính sách giáo dục của Nhà nước. Nếu như năm
2008, toàn tỉnh chỉ có 128 thanh niên du học nước ngoài; chưa có học sinh, sinh
viên nào được vay vốn tín dụng; chưa có thanh niên làm chủ nhiệm đề tài nghiên
cứu khoa học thì đến 31/5/2024, đã có 856 thanh niên du học nước ngoài; 1.888 học
sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng học tập và 138 đề tài khoa học do thanh
niên làm chủ nhiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tư
vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên, các cấp
ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tạo
môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên quê hương Ninh
Bình. Hiện nay, 100% các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và giáo dục
nghề nghiệp có hoạt động tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp
12; “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm” được
tổ chức hằng năm cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Sau 15 năm tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên, đã có 67.269 thanh niên trên địa
bàn tỉnh được tư vấn hướng nghiệp, 24.930 thanh niên được học nghề và 31.751
thanh niên được giải quyết việc làm.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW và Kết
luận số 80-KL/TW, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp ủy đảng
đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu
quả nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân
tỉnh về chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh
cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đến 31/5/2024, toàn tỉnh đã có 7.385 đoàn
viên, thanh niên được vay vốn khởi nghiệp; số dự nợ vốn vay cho thanh niên phát
triển kinh tế là 198.791 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính
quyền các cấp và sự mạnh dạn, dám làm của tuổi trẻ đã xuất hiện nhiều mô hình tổ
hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập
hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại
địa phương.
Thấu suốt quan
điểm “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần
thiết”, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường
giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu,
trưởng thành. Trong đó, chú trọng giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã
hội, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, sân chơi, sinh hoạt cho đoàn viên, thanh
thiếu niên. Tính đến 31/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 01 Trung tâm Thanh thiếu
nhi tỉnh, 04 Nhà thiếu nhi cấp huyện, 666 điểm vui chơi giải trí cho thanh thiếu
nhi cấp xã (tăng 572 điểm so với năm 2008), 5.221 nhà lưu trú cho thanh niên
công nhân (tăng 4.954 nhà so với năm 2008). Các phong trào văn hóa, văn nghệ,
thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Các cấp
bộ Đoàn đã thành lập các đội hình văn nghệ xung kích, nhóm tuyên truyền ca khúc
cách mạng, câu lạc bộ...; phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, giới
thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và tỉnh Ninh Bình; qua đó, tạo sân
chơi lành mạnh cho thanh niên, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho đoàn
viên, thanh thiếu nhi.
Cấp ủy các cấp cũng đã quan tâm chỉ đạo công tác
đào tạo, bồi dưỡng phát triển, trọng dụng tài năng trẻ; việc bố trí, sử dụng
cán bộ trẻ, có năng lực đảm nhiệm các vị trí quan trọng được cấp ủy quan tâm
theo phương châm trẻ hóa, nâng cao tỉ lệ cán bộ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo,
quản lý các cấp, các ngành. Hàng trăm cán bộ trẻ được cấp uỷ, chính quyền quy
hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến
thức quản lý nhà nước; nhiều cán bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở được tín nhiệm bầu
vào cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp. Tính đến 31/5/2024, có 142 cán bộ đoàn
tham gia cấp ủy (tăng 13 người so với năm 2008), 210 cán bộ đoàn tham gia hội đồng
nhân dân các cấp (tăng 3 người với năm 2008). Bên cạnh đó, các giải thưởng, học
bổng nhằm tôn vinh, khen thưởng thanh thiếu nhi, cán bộ Đoàn các cấp tiếp tục
được triển khai rộng rãi với chất lượng ngày càng nâng cao và mở rộng đến từng
đối tượng. Trong 15 năm đã có 235 Cờ thi đua, hơn 2.950 Bằng khen cho các tập
thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được trao tặng cho đoàn viên, thanh
niên.
Xác định nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những tiêu chí
đánh giá, phân loại chất lượng cấp ủy hằng năm, các cấp ủy đảng luôn coi trọng
và đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động và đội ngũ cán bộ của tổ chức
Đoàn tại địa phương, đơn vị. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung và
phương thức hoạt động; công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ, phương
pháp hoạt động của Đoàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Quan tâm, chỉ đạo
thực hiện tốt Quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư về việc
ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; công tác tuyển dụng, quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ Đoàn ngày càng được quan tâm; từng bước thực
hiện việc bố trí, sắp xếp luân chuyển cán bộ, công chức của Đoàn đảm bảo đúng
Điều lệ Đảng và Quy chế cán bộ Đoàn; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với
cán bộ đoàn thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác.
Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là hướng về cơ sở
nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của thanh niên, các cấp ủy đảng chỉ đạo
khảo sát hoạt động đoàn ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; đề ra nhiều
biện pháp thiết thực củng cố, xây dựng cơ sở, đầu tư nguồn lực cho công tác
thanh niên. Hằng năm, tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Thường trực cấp ủy, chính
quyền với thanh niên cấp tỉnh, huyện; đẩy mạnh hoạt động đối thoại cấp cơ sở. Tập
trung tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo
chuyên đề; duy trì công tác giao ban định kỳ, qua đó kịp thời phát hiện và hướng
dẫn cơ sở khắc phục những hạn chế, yếu kém. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất
lượng cơ sở Đoàn và đoàn viên; bộ máy tổ chức các cấp bộ đoàn tiếp tục được củng
cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 10 năm
thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy
Đảng, công tác thanh niên và thanh niên đã được đặt đúng vị trí trung tâm trong
các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, đơn vị.
Tình hình thanh niên Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về thái độ
chính trị, đạo đức, lối sống; đặc biệt tính năng động, sáng tạo, tinh thần xung
kích, tình nguyện, tính tự giác được nâng lên. Thanh niên ngày càng thể hiện rõ
khát vọng lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò là lực
lượng lao động xã hội quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu
nhi toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều đột phá.
2. Những hạn chế, khuyết điểm
Thời gian qua, việc triển khai, quán triệt, xây dựng
chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW
của một số cấp ủy đảng, nhất là ở cấp cơ sở có nơi còn hình thức. Chương trình
phối hợp liên ngành trong công tác thanh niên ở một số cơ quan, đơn vị chưa rõ
ràng, chặt chẽ; chưa gắn kết cụ thể mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
quốc phòng - an ninh với mục tiêu phát triển thanh niên.
Tình trạng thiếu việc làm, môi trường lao động và
điều kiện sống của một bộ phận thanh niên còn nhiều khó khăn; tình trạng dịch
chuyển cơ cấu lao động đã và đang tác động không nhỏ tới một bộ phận thanh
niên.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, đào
tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ Đoàn, Hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cơ
sở còn một bộ phận cán bộ Đoàn quá tuổi chậm được luân chuyển; chế độ đãi ngộ đối
với cán bộ cấp chi đoàn, chi hội còn hạn chế.
Chất lượng, hiệu quả một số phong trào, cuộc vận động,
chương trình hoạt động của Đoàn còn thiếu chiều sâu, bền vững; sức hấp dẫn thu
hút, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở một số địa phương,
đơn vị chưa cao.
Việc duy trì hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội
trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức gặp
gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với thanh niên còn ít.
3. Giải pháp
“Xây dựng Đoàn vững mạnh là một nội dung quan trọng
của công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”. Do đó, trong thời
gian tới, để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công
tác Đoàn và phong trào thanh niên, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải
pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối, chủ
trương và Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ mới; đồng thời
đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo công tác thanh niên. Các cấp ủy và mỗi đảng
viên cần nhận thức sâu sắc “chăm lo công tác thanh niên và xây dựng Đoàn là xây
dựng Đảng trước một bước”. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số
25-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW cùng các văn bản có liên quan nhằm tạo sự thống
nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc,
các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với thanh niên và
công tác thanh niên.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả
việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần
Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Xây dựng chuẩn
mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ động hơn công tác chính trị, tư tưởng để nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng
đoàn viên thanh niên, kịp thời đấu tranh, tuyên truyền làm rõ các âm mưu, luận
điệu sai trái, giúp thanh niên hiểu và tích cực đấu tranh với âm mưu “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ba là, đổi mới nội dung và phương thức
lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đối với tổ chức đoàn theo hướng sâu sát, thiết
thực và hiệu quả. Khi lãnh đạo tổ chức đoàn và công tác thanh niên, các cấp ủy
đảng cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tính đảng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo
nguyên tắc tính quần chúng và tính khoa học, chú trọng định hướng về chính trị,
tư tưởng nhưng cũng cần tôn trọng tính độc lập, sáng tạo của các tổ chức thanh
niên, tránh tình trạng áp đặt, cầm tay chỉ việc.
Bốn là, chú trọng công tác xây dựng,
củng cố tổ chức Đoàn - Hội nhất là các tổ chức cấp cơ sở. Đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động, nâng cao sức hấp dẫn của các phong trào thanh niên do
Đoàn - Hội tổ chức, tạo được sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Chi
đoàn, Liên Chi đoàn. Khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác tổ chức và hoạt
động của một số cơ sở đoàn hiện nay. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
Đoàn các cấp thực sự có trình độ năng lực, tâm huyết, nhiệt tình, có khả năng tập
hợp tuổi trẻ và thực sự tiêu biểu trong đoàn viên thanh niên.
Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động
phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
với tổ chức Đoàn và gia đình, nhà trường trong việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị,
đạo đức cách mạng cho thanh niên, truyền thống lịch sử dân tộc, văn hóa, lối sống,
ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên; xây dựng thế hệ thanh niên có
tư tưởng vững vàng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, sống có trách nhiệm
với cộng đồng, xã hội, tham gia xây dựng quê hương, đất nước.
Tóm lại, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là
yêu cầu khách quan của tình hình thanh niên và yêu cầu phát triển của đất nước,
mà còn là yêu cầu chủ quan tự thân của Đảng với vai trò là lực lượng lãnh đạo
xã hội, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa “Bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Do
đó, các cấp ủy đảng tỉnh Ninh Bình cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để
tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng với thanh niên và công tác thanh niên, góp
phần quan trọng bảo đảm phát huy tốt nhất mọi nguồn lực, hình thành thế hệ
thanh niên cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 494-BC/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình ngày
25/7/2024 về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và 10
năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh
thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.
Ths Phạm Thị Thanh Xuân
Giảng viên Khoa
Xây dựng Đảng
|