Học tập lý luận chính trị là việc nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức
thiết đối với mỗi học viên, cán bộ, đảng viên. Quá trình học tập đó có đạt kết
quả hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó ý thức tự giác học tập và rèn
luyện của học viên đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Những năm qua, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đã không ngừng được nâng cao; đa số học viên đã
nhận thức tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo; có động cơ, mục đích học tập và rèn
luyện đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn một số học viên chưa thực sự quan tâm, chưa
nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, chưa xem đó là
nhu cầu của bản thân. Nhiều học viên tham gia học với tư tưởng bắt buộc phải học
để có bằng, để có đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, cho nên thái độ học chưa
nghiêm túc, ít tương tác trao đổi với giảng viên. Có những học viên chưa thực
hiện đúng quy chế trong lớp học, đi muộn về sớm, sử dụng điện thoại lướt web,
chơi game, đọc báo hoặc làm việc riêng trong giờ học…
Để nâng cao ý thức tự giác học tập và rèn luyện cho học
viên ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới cần quan tâm tới một
số biện pháp cơ bản sau:
Đối với Ban Giám hiệu: tiếp tục quán triệt, nâng cao
nhận thức về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc học tập lý luận chính trị
đến với học viên, giúp học viên xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn trong quá
trình học tập. Sau lễ khai giảng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
giới thiệu về nội quy, quy chế học tập là chưa đủ, mà phải dành một thời lượng
phù hợp để quán triệt về động cơ, mục đích học tập và khái quát về các phương
pháp học tập cơ bản định hướng cho động cơ, mục đích học tập của học viên (tuần
lễ học viên). Hướng dẫn các khoa, phòng đổi mới trong cách ra đề thi và hình thức
thi. Thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá, văn nghệ,
thể dục, thể thao nhằm tạo tăng cường sự gắn kết giữa học viên với nhà trường.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhất công tác dạy và
học. Tăng cường phối hợp với cấp ủy đơn vị cơ quan cử học viên đi học trong việc
quản lý, phản hồi thông tin về kết quả quá trình học tập, rèn luyện của học
viên.
Đối với giảng viên: chủ động, sáng tạo trong việc
đổi mới, phương pháp giảng dạy, kích thích tư duy, chủ động gợi mở, truyền cảm
hứng, động viên để học viên tích cực tham gia ý kiến trong quá trình học tập,
nhất là các giờ thảo luận, làm việc nhóm. Định hướng cho học viên tiếp thu các
kiến thức, kĩ năng và hướng dẫn để học viên biết vận dụng những kiến thức được
học vào trong thực tiễn công tác, có như vậy học viên mới thấy được lợi ích, ý
nghĩa của việc học lý luận chính trị, từ đó, học viên sẽ tích cực, chủ động
hơn. Bên cạnh đó, giảng viên không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao
trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy; thường xuyên cập nhật những
kiến thức lý luận mới và cập nhật thực tiễn vào các bài giảng để nâng cao chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với học viên: mỗi
học viên cần nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập lý luận
chính trị, nhận thức sâu sắc lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh do “kém về lý
luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc
phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng,
xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ
thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”1, từ đó có ý thức, có động
cơ, thái độ học tập đúng đắn. Đồng thời, cần xác định đúng mục đích học tập lý
luận chính trị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn
thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”2.
Nếu học tập lý luận chính trị xác định mục đích không đúng đắn: học để vì tư lợi
cá nhân, lấy bằng cấp, thăng tiến; để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm
lên những vị trí cao hơn. Động cơ học tập không trong sáng, tinh thần thái độ học
tập lệch lạc thì việc học tập không thể có chất lượng, hiệu quả.
Trong thời gian trên lớp, học viên cần tập trung, nghiêm túc trong giờ học,
chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ học tập, ghi chép đầy đủ. Trong giờ thảo luận,
học viên chủ động nghiên cứu tài liệu để trả lời câu hỏi và nêu những vấn đề
quan tâm để trao đổi, thảo luận với giảng viên. Tự xây dựng kế hoạch học tập và
tự đánh giá mức độ hài lòng với kết quả học tập của mình để có những chấn chỉnh
kịp thời. Sau khi học xong, học viên phải vận dụng kiến thức lý luận được trang
bị để xử lý các vấn đề thực tiễn một cách khoa học, hiệu quả; có khả năng tham
mưu và hoạch định chính sách, giao tiếp và thuyết trình tốt để tuyên truyền,
giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
một cách nhanh chóng, chất lượng, trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực liên quan
để xử lý các tình huống mới, phức tạp trong lĩnh vực công tác, đặc biệt là có ý
thức và khả năng nêu gương về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; phẩm chất
đạo đức, lối sống; tác phong làm việc.
Sự tự giác, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu
của học viên kết hợp với sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của giảng viên sẽ lôi
cuốn, truyền cảm hứng và khơi dậy mạnh mẽ ý thức, trách nhiệm của học viên.
Đối với cơ quan quản lý học
viên: Nhận thức và quan tâm đúng mức về học tập lý luận
chính trị; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, công việc để cán bộ, đảng viên
được cử đi học lý luận chính trị thực
hiện đầy đủ chương trình học tập theo quy chế đào tạo, bồi dưỡng. Tăng
cường phối hợp với cơ sở đào tạo để nắm và theo dõi quá trình học tập, rèn
luyện của cán bộ, đảng viên được cử đi học lý luận chính trị.
Học tập
lý luận chính trị luôn được Đảng ta
xem là công việc thường xuyên, liên tục, suốt đời đối với mỗi cán bộ, đảng viên,
không chỉ trang bị thế giới
quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng ngang tầm thời đại, mà còn nắm bắt
đường lối, chủ trương, nghị quyết để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công
việc. Mỗi học
viên cần thấm nhuần để việc học tập lý luận chính trị trở thành nhu cầu tự thân
của mỗi cán bộ, đảng viên, là động lực quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn
Đảng trong sạch vững mạnh, phát triển
đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Tài liệu tham khảo:
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 233-234.
2 Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị
Quốc gia, H.2000, t.5, tr.684.
ThS. Trần Thị Ngọc Mai
Giảng viên phòng QLĐT&NCKH
|