Trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục và đào tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng,
trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, dân tộc. Giáo
dục và đào tạo là sản phẩm đồng thời là lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội,
hoạt động chuyên biệt được tổ chức và thiết lập với mục tiêu cụ thể, tập trung
vào phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực con người, đáp ứng yêu cầu phát
triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Văn kiện Đaị hội XIII của
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực
hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là
quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”(1).
Tỉnh Ninh Bình nằm ở cửa ngõ phía Nam của đồng bằng
châu thổ sông Hồng, tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với
lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi Tây Bắc. Xác định giáo
dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm qua Tỉnh uỷ, Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo Sở Giáo dục và
Đào tạo kịp thời tham mưu các văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 636/QĐ-UBND
ngày 08/8/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về kế hoạch thời gian năm học
2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường
xuyên; Công văn số 679/UBND-VP6 ngày 07/9/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh
Bình về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo năm học 2023 – 2024; tích
cực tham mưu bố trí kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
học cho các trường trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục
chú trọng lãnh đạo đổi mới công tác quản lý, xây dựng nâng cao chất lượng đội
ngũ; đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường công tác kiểm định chất lượng
giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, trang thiết bị dạy học. Nhiều giải pháp,
cách làm hay đã được triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục, đem lại hiệu
quả cao như: phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm Ngày
Nhà giáo Việt Nam 20/11; xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Hạnh
phúc” và phong trào “Tặng sách cho em”… đổi
mới phương thức tổ chức hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường dạy học ngoại
ngữ tạo phong trào sâu rộng. Chính vì vậy, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh
đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:
Đối với giáo dục mầm non: 100% trẻ được học 2 buổi/ngày,
được nuôi bán trú tại trường, trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất
và tinh thần, kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ
tăng trưởng của Tổ chức y tế thế giới. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở hầu hết các độ
tuổi giảm so với đầu năm học: thể nhẹ cân trẻ mẫu giáo giảm còn 2,2%, thể thấp
còi còn 2,4%, béo phì còn 1,4%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương
trình giáo dục mầm non đạt 100%(2).
100% các cơ sở giáo dục cấp tiểu học tích cực đổi mới
phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực
của học sinh, vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương
thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục: 100% trường
áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy một số bài trong môn tự nhiên xã
hội và khoa học; khuyến khích nhiều học sinh tham gia các sân chơi trực tuyến,
các cuộc giao lưu; xây dựng, phát triển thư viện đáp ứng nhu cầu đổi mới, trong
đó có 68 trường triển khai thư viện thân thiện phù hợp với điều kiện thực tế. Năm
học 2022 – 2023 chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến tích cực, học
sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học đạt 99,39% trở lên,
tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 99,96%(3).
Giáo dục trung học cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật:
cấp trung học cơ sở: học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt tỷ lệ 65,31% đối với
lớp 6-7, 64,93% đối với lớp 8-9, tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở toàn tỉnh đạt
99,65%; cấp trung học phổ thông xếp loại khá, giỏi đạt tỷ lệ 73,69% đối với lớp
10; 90,48% đối với lớp 11-12. 100% các trường xây dựng môi trường dạy và học tiếng
Anh. Kết quả tham
gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông chất lượng giải được
nâng lên có 39/68 học sinh đoạt giải trong đó có 01 giải Nhất, 7 giải Nhì, 14
giải Ba và 17 giải Khuyến khích; có 2 học sinh tham gia vòng dự tuyển quốc tế
môn Sinh học. Chất lượng giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tiếp tục
được nâng lên, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt 31,2%; tỷ lệ học sinh
vừa học văn hóa vừa học nghề trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục
thường xuyên đạt 97,4%(4).
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác
giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định: cơ sở
vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng ở một số cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng
yêu cầu đổi mới; tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vẫn còn tình trạng
thiếu phòng học, phòng chức năng, một số công trình xuống cấp chậm được cải tạo,
sửa chữa; một số huyện còn tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên theo quy định
nhất là cấp tiểu học và mầm non; công tác đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng
chương trình giáo dục phổ thông mới ở một số giáo viên còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới tỉnh
Ninh Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo
và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông công lập tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu
triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025,
định hướng đến năm 2030; kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện lộ trình nâng cao
trình độ của giáo viên; tập trung bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán
dạy học sinh giỏi cấp trung học và giáo viên dạy chuyên. Phối hợp chỉ đạo rà soát đội ngũ
giáo viên, điều động, bố trí hợp lý theo biên chế được giao đảm bảo tỷ lệ giáo
viên/lớp và chủng loại giáo viên, nhân viên theo đúng quy định đáp ứng điều kiện
thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ hai, đổi mới tư duy và cơ chế quản lý giáo dục, nội dung
chương trình, mô hình đào tạo và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở các
cơ sở đào tạo theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức,
trí, thể, mỹ. Nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù
hợp với từng đối tượng học sinh. Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức
công dân, phát huy giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và tinh hoa văn hóa
nhân loại.
Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội
ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục - lực lượng cơ bản tham gia xây dựng và
phát triển giáo dục, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, bản lĩnh chính
trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Thứ tư, tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, không ngừng nâng
cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học.
Tiếp tục thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên
theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chú trọng thực hiện chương trình
giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, tăng cường hướng dẫn kiến thức, kỹ năng,
chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp
- An toàn - Hạnh phúc”.
Thứ năm, tích cực triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc
gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; từng bước nghiên cứu, triển khai xây dựng Hệ
sinh thái giáo dục tỉnh Ninh Bình, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học
và quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; nâng cao kỹ năng ứng dụng công
nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên. Áp dụng có hiệu quả hệ
thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) và chữ ký số tại các cơ sở giáo dục.
Nâng cao chất lượng lượng giáo dục và đào tạo là một
trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của cả hệ thống giáo dục nói chung và
giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh
bên cạnh những kết quả đạt được công tác giáo dục và đào tạo cũng còn những hạn
chế nhất định. Hi vọng rằng thời gian tới bằng việc thực hiện những giải pháp đồng
bộ sẽ giúp cho tỉnh nâng cao được chất lượng giáo dục, xây dựng tỉnh Ninh Bình
ngày càng văn minh giàu đẹp, nỗ lực phấn đấu đưa Ninh Bình đến năm 2030 trở
thành tỉnh khá trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt các tiêu chí Thành phố
trực thuộc trung ương, thực sự là trung tâm du lịch vùng và quốc gia mang giá
trị toàn cầu./.
Chú
thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII, T.1, NxB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.
(2), (3), (4) Báo cáo số 384/BC-SGDĐT, ngày 24/10/2023 của Sở
Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác
giáo dục và đào tạo năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và đăng ký chương
trình công tác của UBND tỉnh năm 2024.
Ths. Đinh Thị Hoa
Giảng
viên: Khoa Nhà nước và pháp luật
|