Những năm qua, Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả các đề
án, chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc
thiểu số được nâng lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 30.561 người dân
tộc thiểu số (chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh), sinh sống chủ yếu ở các thôn,
bản thuộc 07 xã của huyện Nho Quan và thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn,
thành phố Tam Điệp1. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát
triển kinh tế - xã hội cho vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ đó,
đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã có nhiều khởi sắc.
Triển khai đồng bộ các chính sách
Trong những năm qua, tỉnh
Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án của Trung
ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc,
ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, dự án, kế
hoạch hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh
xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, bảo đảm phù hợp với
đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương, từng dân tộc.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết quy định
chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như
Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 quy định chính sách hỗ trợ các đối
tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn
tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 130/2021/NQ-HĐND hỗ trợ một số người thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo chính sách đặc thù của tỉnh, ngoài các đối tượng được
hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính
phủ; Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy
định ban hành kèm theo Nghị quyết số 130/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ
giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của
Chính phủ; Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định
chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh
Bình giai đoạn 2023-2025…
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Chương trình, Đề án, Kế
hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính
Phủ và Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Nghị
quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác
dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các Đề án, Dự án,
Chương trình của các Bộ, ngành...
Cùng với việc thực hiện các chính sách từ Trung ương, tỉnh
Ninh Bình cũng đã tăng cường bố trí nguồn lực địa phương, cùng với
nguồn lực từ Trung ương đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc
trên địa bàn. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với các cơ quan
thông tấn, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc
thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển
kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ở vùng đồng
bào dân tộc thiểu số...
Chuyển biến tích cực trong đời sống đồng
bào dân tộc thiểu số
Với sự lãnh đạo sát sao
của cấp ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện
chính sách dân tộc, đời sống của vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống
nói chung và chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có
nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người
của tỉnh Ninh Bình đạt 63,96 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng
đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khoảng 2,95%, cận nghèo khoảng
3,58%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo
vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương ứng là 65,3% và 57,87%.
Việc phát triển
hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng được đẩy mạnh. 100% xã, các thôn, xóm, làng
vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có Nhà văn hóa gắn liền với
khu thể thao, sân thể thao đơn giản. Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên đầu tư, xây dựng,
sửa chữa và phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng
đồng của đồng bào dân tộc Mường. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể
thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập
và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân
ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi
người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên.
Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa được các cấp, các
ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp
chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đã
có 74/80 thôn, bản thuộc các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được
công nhận thôn, bản văn hóa (đạt 92,5%). Trong đó, có 05/07 xã vùng dân tộc thiểu
số có 100% thôn, bản được công nhận là làng văn hóa.
Công tác giáo dục luôn được quan tâm tại vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất trong hệ
thống giáo dục được tăng cường, đặc biệt là đối với trường Trung học phổ thông
Dân tộc Nội trú. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, nâng cao chất lượng
khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, số trạm trạm y tế ở các xã
vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ là 07/07 trạm, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ
thôn, bản có cán bộ y tế là 90/90 thôn, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử
dụng nước sạch hợp vệ sinh là 93,8%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng hố xí hợp
vệ sinh là 100%.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và địa phương,
đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải
thiện; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được
củng cố. Tính đến tháng 10 năm 2024, 07/07 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được công nhận đạt chuẩn nông
thôn mới (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 2/7 xã (đạt tỷ lệ hơn 28%) được công nhận
đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Cúc Phương, xã Văn Phương); có 9/89 thôn,
xóm, bản (đạt tỷ lệ 10%) đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; có 08 sản phẩm OCOP được công
nhận đạt 3 sao trở lên, gồm 02 sản phẩm 4 sao và 06 sản phẩm 3 sao. Hệ thống
chính trị vùng dân tộc thiểu số luôn được kiện toàn, củng cố vững mạnh, hoạt động
có hiệu lực, hiệu quả; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức làm
công tác dân tộc được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của 07/07 Đảng bộ xã
vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; công tác quản lý, điều
hành của chính quyền tiếp tục có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội ổn định, không phát sinh đột xuất, bất ngờ, không hình thành
“điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong công tác
dân tộc của tỉnh Ninh Bình là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng và Nhà
nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như sự nỗ lực vươn lên không ngừng
của đồng bào. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục huy
động các nguồn lực tập trung đầu tư, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, qua đó góp
phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực để đồng bào dân tộc
thiểu số phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tài liệu
tham khảo:
1 Báo cáo
chính trị Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV năm
2024.
Ths
Phạm Thị Thanh Xuân
Giảng
viên Khoa Xây dựng Đảng
|