Yên
Đồng thuộc vùng sản xuất nông nghiệp, trên là đồi, núi, dưới là ruộng trũng thấp,
dễ bị ngập lụt. vốn là xã miền núi khó khăn của huyện Yên Mô. Trước đây người
dân ngoài việc bám trụ vào đồng ruộng thì không có ngành nghề phụ. Trên địa bàn
xã không có khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ kém phát
triển, tình trạng ly hương, đi làm ăn xa diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, sau khi bắt
tay vào xây dựng nông thôn mới, diện mạo Yên Đồng có nhiều khởi sắc.
Xác
định xây dựng nông thôn mới là cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá,
xã hội, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân xã đã
nhanh chóng triển khai thực hiện. Mặc dù xuất phát điểm thấp, khi bắt đầu xây dựng
nông thôn mới năm 2011, xã mới đạt 4/19 tiêu chí nhưng cùng với sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị, năm 2020, Yên Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông
thôn mới. Không dừng ở đó, Yên Đồng lại tiếp tục bắt tay vào xây dựng và nâng
chất các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Để có
thể từng bước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân
xã Yên Đồng đã đoàn kết nỗ lực, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, tích cực
hoàn thiện các tiêu chí, phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.
Với
đặc điểm là một xã thuần nông, thu nhập chính của người dân chủ yếu
là từ các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, vì vậy Đảng ủy, UBND
xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các HTX nông nghiệp và Nhân dân
trong xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng
cao chất lượng và hiệu quả kinh tế: mở rộng diện tích lúa chất lượng cao ở vụ
mùa, gieo xạ ở những nơi có điều kiện thuận lợi, chủ động tưới tiêu; phát huy
hiệu quả của mô hình lúa-cá kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những
năm gần đây, xã đã triển khai xây dựng mô hình con nuôi mới mang lại giá trị
kinh tế cao như trạch sụn, cá trê vàng, rô đầu vuông, tôm càng xanh, gà mía Tân
Việt, nuôi ong. Hiện xã đã thành lập HTX gà vườn, gà đồi và HTX sản xuất và
tiêu thụ mật ong rừng nhằm giúp đỡ các thành viên mở rộng quy mô sản xuất, nâng
cao chất lượng cũng như hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập.
Đảng uỷ xã luôn luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu
thủ công nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Tiếp tục duy trì và phát triển
đa dạng, phong phú các ngành nghề thủ công truyền thống. Khuyến khích lao động
đi làm tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài huyện. Tổng
giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ năm 2023 đạt 281,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, xã cũng
thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ cận nghèo, hộ
nghèo, hộ chính sách được vay vốn phát triển sản xuất. Do đó, số lượng lao động
có việc làm đã qua đào tạo đạt 85,54%. Năm
2024, bình quân thu nhập ước đạt 72,21 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 24 triệu
đồng so với 2020. Năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo là 2,12% thì đến năm 2024 giảm nhanh
chỉ còn 0,52%.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao phát triển
mạnh thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân. Hằng năm, xã tổ chức nhiều
buổi liên hoan, giao lưu, hội diễn văn nghệ quần chúng; các cuộc thi đấu giao hữu
thể dục, thể thao; các đợt hoạt động văn nghệ cho người cao tuổi, trẻ em. Xã có các mô
hình tiêu biểu như Câu lạc bộ (CLB) bóng đá nam, CLB bóng chuyền nữ, CLB văn
nghệ quần chúng… thường xuyên giao lưu với các đơn vị bạn trong và ngoài xã. Tại
các xóm thành lập các CLB, tổ, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ, thể thao duy trì hoạt
động, tập luyện thường xuyên, hiệu quả. Hoạt động thư viện tại xã được quan tâm
đầu tư và tổ chức việc cung cấp tài nguyên thông tin đạt hiệu quả. Người dân
trên địa bàn xã được tiếp cận, tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin
với trên 3.000
lượt mỗi năm. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn, xóm văn hóa thu hút sự
quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và sự tham gia tích
cực của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn xã Yên Đồng. Năm 2023, xã Yên Đồng
có 2441/2610 hộ (chiếm 93,5%) được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, tỷ lệ
đạt 93,5 %; 100% thôn, xóm được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa.
Bên cạnh việc ưu tiên phát triển kinh tế, văn hoá, xã
hội, xã cũng tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng. 100% đường trục
ngõ thôn đã được bê tông hoá. Hệ thống chiếu sáng được lắp đặt, cây xanh được
trồng hai bên đường đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Hệ thống thuỷ lợi được nâng
cấp đảm bảo tưới tiêu, hệ thống điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản
xuất của Nhân dân. Trường học khang trang, đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế có đủ
điều kiện để khám, chữa bệnh.
Trên địa bàn xã Yên Đồng có hồ Đồng Thái, hồ tự nhiên
lớn nhất tỉnh Ninh Bình. Gắn liền với vùng hồ là động Mã Tiên, là vùng rừng
nguyên sơ với những loài chim và thực vật quý, hiếm. Đây là tiềm năng lớn để xã
đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái, vừa góp phần phát triển kinh tế của xã,
vừa góp phần quảng bá vẻ đẹp, văn hoá của quê hương, đất nước.
Với
những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Nhân dân trong xây dựng nông
thôn mới, diện mạo Yên Đồng đã thay đổi rõ nét, đời sống Nhân dân được cải thiện
cả về vật chất và tinh thần. Từ một xã miền núi khó khăn của huyện, Yên Đồng đã
vươn lên trở thành xã có nền kinh tế phát triển, văn hóa, xã hội có nhiều tiến
bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững
mạnh.
Một trong những nguyên nhân cơ bản để có được kết quả
này là chính quyền và Nhân dân Yên Đồng đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần
sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vừa tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên vừa huy động
các nguồn lực trong xã tạo nên sức mạnh đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cấp ủy và
chính quyền xã luôn có sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động
bám sát tình hình thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phối hợp
chặt chẽ với các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình thực
hiện. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận
động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô
thị văn minh”, nhiều mô hình, nhiều hình
thức tuyên truyền được các tổ chức, đoàn thể thực hiện, trong đó xã đặc biệt
chú trọng đến việc tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như trang thông
tin điện tử của xã, qua facebook, zalo… để huy động sức mạnh của Nhân dân ở địa
phương và con em xa quê. Cùng với đó, xã cũng phát huy vai trò của người có uy
tín ở địa phương trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò tiền phong,
gương mẫu của cán bộ, đảng viên để tạo ra sự lan toả cho phong trào thi đua. Qua công tác thông tin tuyên truyền, vận động, ý
thức của người dân được nâng lên. Nhân dân xác định được vai trò chủ thể của
mình trong xây dựng nông thôn mới, chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất,
góp công sức, tiền của, nguyên vật liệu để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng
kinh tế - xã hội, như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng, nâng cấp sửa chữa
nhà văn hoá, chỉnh trang nhà cửa, phân loại rác thải và vệ sinh môi trường… phát
huy vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Tính riêng trong
giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao Nhân dân đã đóng góp 174,246 tỉ đồng
(chiếm 41,5% tổng kinh phí huy động); các doanh nghiệp đóng góp 8,8 tỉ đồng
(chiếm 2,1%).
Như vậy, dù có nhiều khó khăn, nhưng nhờ xây dựng được
khối đại đoàn kết toàn dân, tạo ra sức mạnh thống nhất của cả hệ thống chính trị,
Yên Đồng đã hoàn thành các tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao tháng 10/2024. Xác định nông thôn mới không có điểm dừng, trong thời
gian tới xã Yên Đồng tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí nông
thôn mới kiểu mẫu. Muốn vậy, không chỉ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của
chính quyền địa phương mà cần có cả sự đồng lòng của toàn dân, tiếp tục phát
huy sức mạnh đoàn kết để Yên Đồng có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra./.
Tài liệu tham khảo: Báo cáo số 120/BC-UBND, ngày 05/8/2024 của UBND
xã Yên Đồng về Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới
nâng cao năm 2024 xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Ths. Hà Thu Nga
Giảng
viên khoa Lý luận cơ sở
|