Tết, khởi đầu của
một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ
hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều
tốt đẹp nhất cho ngày Tết. Chính vì lẽ đó, mà Người Việt luôn coi trọng truyền thống gia đình, xem gia
đình là mái ấm, là chiếc nôi dưỡng dục con người từ thuở ấu thơ đến khi trưởng
thành. Ông cha ta đã tạo dựng một nền nếp gia phong như con cháu có hiếu với
ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung, anh em đoàn kết thuận hòa, kính trên
nhường dưới, nghĩa tình, yêu thương,... Ðó là tinh hoa văn hóa truyền thống của
dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, gia đình Việt có những
thay đổi nhưng nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển,
vì nó đã được truyền lại từ đời này sang đời khác và luôn luôn đi cùng với thời
gian. Vì vậy, phong tục trong Tết Nguyên đán dân tộc Việt Nam có ý nghĩa vô
cùng quan trong qua các nội dung sau:
Thứ nhất, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng trong văn hóa
người Việt, là sự đoàn tụ, sum họp gia đình
Dù ở thời điểm nào, giá trị văn hóa Tết vẫn luôn được bảo
tồn và phát huy qua các phong tục truyền thống: thăm mộ tổ tiên, gói bánh
chưng, dọn dẹp nhà cửa đón Tết; cúng Giao thừa… Ngày Tết Nguyên đán là lễ hội
của dân tộc và cũng là ngày hội của gia đình.
Ý nghĩa đoàn tụ được thể hiện ngay từ đêm cúng Giao thừa đến
lễ cúng gia tiên trong những ngày Tết. Tết cổ truyền
đã trở thành ngày hội đặc biệt trong gia đình, dòng họ. Từ rất xa xưa, người Việt
đã biết thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến mấy, mọi gia
đình đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên, mời ông bà tổ
tiên cùng về đón Tết với con cháu. Vì thế, từ việc làm này đã tác động sâu sắc
vào tâm thức của những người con đất Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn
sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người
con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không ngừng. Cho nên công việc chuẩn bị cho ngày Tết còn thể hiện qua hình ảnh
quây quần bên nồi nấu bánh chưng; hình ảnh những chợ hoa, chợ Tết tấp nập người
mua sắm; trẻ em có quần áo mới; những ông đồ bày mực sẵn cho việc xin chữ; gia
đình đoàn tụ, sum họp bên nhau những ngày Tết...
Bữa cơm ngày Tết
chính là khoảnh khắc sum họp người Việt, xưa nay; thể hiện sự tôn trọng, yêu
thương, chăm sóc của mỗi thành viên trong gia đình. Con trẻ thể hiện sự kính trọng
với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Bữa cơm sum họp ngày Tết càng trở
nên đặc biệt bởi nó không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng
cuộc sống mà còn giáo dục truyền thống gia đình cho các con, các cháu. Bữa cơm
ngày Tết được xem như là linh hồn của sự đoàn kết, yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn
con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình. Đó cũng
là lúc hai từ "sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm gia đình ngày Tết
trở thành kỷ niệm mà mỗi người luôn mang theo, trở thành hành trang trong lao động,
học tập.
Thứ hai, Tết Nguyên
đán cũng là dịp con cháu tổ chức lễ Mừng thọ ông bà cha mẹ
Đây là một mỹ tục
của dân tộc ta, thể hiện sự quan tâm, kính trọng của con cháu, của cộng đồng đối
với người cao tuổi. Những người được chúc thọ là những người cao tuổi, đó là những
người có phúc, có đức, có con cháu đề huề. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng
thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách
tuế hay bách niên chi lão. Khi người già có mặt trong nhà với các con, các cháu
đó là niềm hạnh phúc lớn, là một kho kinh nghiệm sống để lưu lại cho các con,
các cháu. Lòng hiếu thảo không căn cứ vào mâm cao, cỗ đầy hay giá trị vật chất
mà đặt lên trên hết là tình cảm gia đình, giáo dục các con, các cháu bổn phận ăn ở có trước, có sau, thể hiện
đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, nhân lên
nét đẹp văn hóa "kính già, trọng lão" trong cộng đồng. Điều này cũng
thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với người cao tuổi, thắt chặt thêm tình
làng, nghĩa xóm
Thứ ba, nét đẹp
truyền thống trong ứng xử của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán đó là “Mùng Một
tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”
Đây là biểu hiện
lòng kính trọng, biết ơn với cha mẹ đã có công sinh thành, với thầy giáo có
công dưỡng dục. Biểu hiện ấy không chỉ là nét đẹp văn hóa dạy con người lòng biết
ơn, sống có trước có sau mà còn thể hiện một xã hội có nền nếp, tôn ti trên dưới
của người Việt Nam từ xưa đến nay. Theo lệ, thường thì vào mùng Một con cái chúc Tết ông bà,
cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi
kèm. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng,
năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Sự
sum vầy của gia đình Việt mỗi dịp Tết cổ truyền không chỉ là câu chuyện của một
gia đình và không chỉ mang nặng giá trị tình cảm. Đó còn là giá trị giáo dục đạo
đức, văn hóa và cũng chính là vấn đề sống còn, bền vững của một quốc gia- dân tộc.
Ngày
mùng Ba Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp
thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ,
giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may mắn trong những ngày Tết đến,
xuân về.
Như vậy, đối với người Việt Nam,
Tết luôn hướng về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mỗi năm chỉ có một
lần, nó thể hiện truyền thống gia đình làm cho mọi
người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với
cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và tương lai góp
phần phát huy giá trị Tết cổ của dân tộc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). https://www.bqllang.gov.vn › ... › Tin tức › Tin tổng
hợp
(2). https://dangcongsan.vn › Tết Việt
(3). https://baomoi.com ›
Văn hóa
(4). https://routine.vn ›
tet-xua-tet-nay-nhung-diem-khac-biet
(5). http://thduynhat1.vuthutb.edu.vn › chuyen-mon ›
tet-c...
Ths. Đinh Thị Minh
Giảng viên chính: Khoa Lý luận cơ sở |