Việc tìm hiểu và vận dụng nguyên tắc lý
luận gắn liền với thực tiễn là rất cần thiết, đặc biệt, trong việc giảng dạy
các môn lý luận chính trị nhằm củng
cố, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở, gắn lý luận với
thực tiễn bổ sung vào bài giảng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và
nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Tháng 9/2020 vừa qua, tôi đã đi thực tế
ở xã Yên Thái huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình và cảm nhận sự thay đổi về con người
và cuộc sống nơi đây. Là xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Yên Mô, xã Yên
Thái cách thành phố Ninh Bình khoảng 28km. Phía Đông giáp xã Yên Lâm, phía
Nam giáp huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá), phía Tây giáp xã Yên Đồng, phía Bắc
giáp xã Yên Thành và Yên Mạc. Với diện tích là 9,84 km²,
dân số là 5700 người1. Được trực tiếp tìm hiểu tình
hình phát triển kinh tế, xã hội của xã, tôi có điều kiện nâng vốn
kiến thức thực tế của mình lên, đặc là tìm hiểu việc chuyển đổi hình
thức sản xuất trong nông nghiệp của xã theo chủ trương chuyển dịch cơ
cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông
nghiệp theo hướng công nghiệp hoá,
hiện đại hoá là phá thế độc canh, đa dạng hoá sản xuất, hình thành
vùng chuyên canh quy mô lớn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp
và xuất khẩu. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các
ngành công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng sản phẩm và lao động nông
nghiệp. Sớm khắc phục tình trạng manh mún về đất canh tác của các
hộ nông dân. Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng trồng
trọt và chăn nuôi tập trung, doanh
nghiệp công nghiệp và dịch vụ gắn với hình thành các nghành nghề,
làng nghề, hợp tác xã, trang trại. Phát triển các ngành dịch vụ ở
nông thôn. Song để vận dụng thành công chính sách vào cuộc sống là
điều rất khó. Trong nông nghiệp sản xuất không hiệu quả thì phải
chuyển đổi sản xuất. Thực tiễn cho thấy, nhiều vùng miền của cả nước, nông
dân đang gặp phải những khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp: chăn
nuôi, trồng trọt thua lỗ,… có nơi được mùa mất giá. Bài toán chuyển
đổi cho người dân làm gì, làm như thế nào đề có thể làm giàu trên
mảnh đất của mình vẫn còn là nan giải.
Yên Thái trước đây cũng thế. Từ khi
thành lập năm 1947 đến năm 2004, tình hình sản xuất và đời sống của
nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật
chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống thủy lợi xuống cấp trầm
trọng, không đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất và phòng, chống thiên
tai trong mùa mưa lũ; sản xuất vụ mùa bấp bênh, chăn nuôi - thủy sản kém phát
triển. Năng suất thấp 50 – 70kg/sào. Thu nhập bình quân đầu người
chỉ đạt 1,5 – 2 triệu đồng/năm2. Xuất phát từ tình hình
thực tế trên thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển
dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ
xã đã suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi cho phát triển sản xuất, kinh
tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều Hội nghị tìm
các biện pháp chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập cho người dân đã
được thảo luận bàn bạc. Xã cũng đã tổ chức cho cán bộ đi thăm học
tập mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh;
tổ chức phát phiếu xin ý kiến nhân dân; trình với Huyện uỷ, UBND
Huyện về dự án chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; phát triển
chăn nuôi thủy sản theo hướng chuyển từ mô hình nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại,
trang trại.
Năm 2005 xã bắt đầu thực hiện chuyển
đổi cơ cấu kinh tế vật nuôi, cây trồng. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế chuyển
biết rõ rệt, sản lượng lúa bình quân các năm 2006, 2007 và 2008 là 400kg/sào. Đến
tháng 9/2015, xã Yên Thái được UBND tỉnh
Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó đến nay phong trào xây dựng
nông thôn mới tiếp tục được duy trì và phát triển, chất lượng các tiêu chí được
nâng cao, tập trung vào đầu tư tiêu chí thu nhập, tiêu chí về giao thông thủy lợi,
xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường và xây dựng thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đánh
giá kết quả đạt được 5 năm qua (2015-2019): tổng sản lượng lương thực bình
quân đạt 5.254,2 tấn; giá trị/ha canh
năm 2019 đạt 125,34 triệu đồng. Tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất cấy lúa
kém hiệu quả sang mô hình cây con mới, với tổng diện tích 84,15 ha. Nuôi trồng
thủy sản được phát triển, tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích ruộng trũng cấy
lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi kết hợp “mô hình lúa - cá”, “mô hình chuối –
cá, ao nổi”, tập trung ở các HTX Phú Trì, Đông Thôn, Quảng Công. Tính đến hết
năm 2019, toàn xã đã quy hoạch được 233,8 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang mô
hình chăn nuôi tổng hợp và lúa cá; đã chuyển đổi được 84,15 ha. Giá trị từ chăn
nuôi, thủy sản năm 2019 đạt 58,5 tỷ đồng. Các hợp tác xã đã làm tốt các khâu dịch
vụ trong sản xuất nông nghiệp cho xã viên, đã chủ động liên doanh, liên kết sản
xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản cho các thành viên trong Hợp tác xã. Trong
nhiệm kỳ đã thành lập thêm 01 Hợp tác xã Phú Quang tạo thêm nhiều việc làm thu
nhập cho người lao động3.
Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
nghiệp đã giúp cho người dân nông thôn nơi đây yên tâm lao động sản xuất, nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần. Cũng theo Báo cáo tổng kết 5 năm
(2015-2020): Thu nhập bình quân đầu người
tăng lên đạt 41,63 triệu/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,25% (2015) xuống còn 2,62% (2019). Công tác hỗ
trợ, xây mới, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo đạt được nhiều kết
quả tích cực, trong 5 năm đã hỗ trợ xây mới 20 nhà, sửa chữa 8 nhà cho các hộ
gia đình. Cuộc vận động xây dựng quỹ “Đề ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” ngày một
lan tỏa sâu rộng và nhận được sự tham gia tích cực các các tầng lớp tham gia,
góp phần không nhỏ trong việc thực hiện công tác đèn ơn đáp nghĩa và an sinh xã
hội4.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, do đại dịch
Covid – 19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế
- xã hội và đời sống của nhân dân; bên cạnh đó dịch tả lợn Châu phi công bố hết
dịch nhưng tốc độ tái đàn còn chậm; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến
phức tạp, giá cả nông sản, chăn nuôi không ổn định… Song, dưới lãnh đạo, chỉ đạo
của Đảng ủy, HĐND, đặc biệt để
chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND xã đã tập
trung chỉ đạo cán bộ và nhân dân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu
“vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” và đã đạt được những kết quả khá toàn
diện, riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp: năng suất đạt
66,33 tạ/ha, sản lượng đạt 2725,72 tấn; tiếp tục khuyến khích nhân dân chuyển đổi
diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình canh tác lúa – cá, chuối – cá, ao nổi,
sản xuất theo hướng thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng. Tổng diện tích
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là 148,9 ha (diện tích nuôi chuyên ao 53,88
ha, diện tích nuôi ruộng lúa 40 ha, diện tích hồ 55 ha); sản lượng thủy sản 6
tháng đầu năm đạt 274 tấn (tăng 67 tấn so với cùng kỳ năm 2019). Hiện nay, khi dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được
khống chế và đẩy lùi, trong điều kiện nhà nước có nhiều chính sách khôi phục,
thúc đẩy nền kinh tế, UBND xã tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích lao động
trong xã phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tìm kiếm việc
làm mới tại các công ty, xí nghiệp, để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tập trung chỉ đạo xây dựng xóm nông thôn
kiểu mẫu tại xóm 2 Phú Trì, trong đó tập trung tiêu chí làm đường giao thông; đến
nay theo đánh giá sơ bộ xóm 2 Phú Trì đã đạt 8/10 tiêu chí. Phấn đấu đến tháng
10/2020 xóm về đích xóm nông thôn mới kiểu mẫu5.
Cảm nhận rõ nét cuộc sống người dân nơi
đây đã đổi thay. Người dân phấn khởi sản xuất, đời sống được nâng
lên. Họ tin tưởng và ủng hộ những chủ trương chính sách của Đảng,
Nhà nước, tiếp tục chung tay phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, xã Yên
Thái đã phấn đấu gần cán đích những tiêu chí về xây dựng nông thôn
mới kiểu mẫu.
Sau chuyến đi nghiên cứu thực tế, tôi
như cùng được vui chung với những thành tựu mà xã Yên Thái đã đạt
được. Thành công của xã Yên Thái trong chuyển đổi hình thức sản xuất
cho tôi một minh chứng thực tế về đường lối, chính sách kinh tế đúng
đắn của Đảng, Nhà nước và là dấu mốc ghi nhận trí tuệ, công lao
của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Sự thành công ấy mang
lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, bài học lý luận của tôi hôm
nay có thêm một minh chứng thực tiễn gần gũi, sống động và nước ta
còn cần rất nhiều những sự thành công như thế để cho nông nghiệp,
nông thôn phát triển ngày một bền vững hơn./.
-----------------------------
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. Lịch sử
Đảng bộ xã Yên Thái huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình – 65 năm ngày thành lập Đảng bộ,
xuất bản năm 2012.
3 và 4. Báo cáo số 145-BC/ĐU, ngày
15/5/2020 của Đảng uỷ xã Yên Thái, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình (BC Chính trị
trình Đại Hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025).
5. Báo cáo số 28/BC-UBND, ngày 10/7/2020 của
UBND xã Yên Thái về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu
năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Ths. Phạm Bích Hoa
Gv: Khoa Xây dựng Đảng |