Nghiên cứu khoa học > Thông tin Lý luận và Thực tiễn   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1356246
Đang online: 11

          Thông tin Lý luận và Thực tiễn
SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TẠI HUYỆN YÊN MÔ – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
14/01/2019 8:02:19 SA

Sản xuất phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, con người lại càng quan tâm tới vấn đề an toàn, chất lượng môi trường sống mà nông nghiệp là một trong những lĩnh vực là tạo ra sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người. Sản xuất sạch ngày hôm nay đã trở thành xu thế của ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.

Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP): Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường 1. Theo quan niệm này, sản xuất nông nghiệp sạch được sử dụng để đối lập với mô hình sản xuất truyền thống với lối canh tác tự phát, lạm dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó làm xói mòn các nguồn đất, nguồn nước, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, tạo ra những sản phẩm không an toàn cho chính người sản xuất và người tiêu dùng, dẫn tới bền vững cả trong sản xuất lẫn trong tiêu thụ. Mặt khác, trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thì sản xuất sạch hơn là giải pháp để nông nghiệp có thể phát triển một cách bền vững. Nó góp phần sử dụng hiệu quả nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, đem lại lợi ích về kinh tế, đảm bảo và nâng cao đời sống người dân.

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước ta hiện nay gắn liền công cuộc xây dựng nông thôn mới với nội dung tập trung lại sản xuất, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không áp dụng sản xuất sạch hơn, nông sản của Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu và đứng vững được ở các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… khi không đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, cũng như nguồn gốc, xuất xứ2 .

Bởi những lợi ích đem lại, bất cứ địa phương nào muốn phát triển nông nghiệp cũng cần quan tâm theo hướng làm nông nghiệp sạch hơn, nông nghiệp công nghệ cao và Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng không phải ngoại lệ.

Huyện Yên Mô nằm ở phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình, là một huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp là 10.188,3ha (chiếm 70,4% tổng diện tích đất tự nhiên). Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Kết quả sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giá trị bình quân trên hecta canh tác từ 94 triệu đồng/năm (năm 2013) lên 116 triệu đồng (năm 2017), thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng/người/năm so với năm 20133.

Có được những thành tích đó, một phần do huyện đã có những bước đi đúng đắn trong việc định hướng, tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ nông dân về vốn để đầu tư vào các mô hình sản xuất sạch. Việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được địa phương quan tâm thực hiện. Từ năm 2008 đến nay, Yên Mô đã triển khai thực hiện 02 đề tài khoa học cấp tỉnh, 10 sáng kiến công nghệ cấp tỉnh; triển khai 24 đề tài khoa học và 30 sáng kiến cấp huyện. Các đề tài, sáng kiến có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, được nhân dân ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã triển khai xây dựng thành công mô hình thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp về sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Yên Thái; xây dựng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp ở xã Yên Hòa (đơn vị làm điểm của huyện). Các mô hình cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Việc thăm, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp ở trong và ngoài tỉnh được quan tâm thực hiện. Việc liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu phát huy hiệu quả.

Trong nông nghiệp, thực hiện nghiêm nguyên tắc “bốn đúng” cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt là: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách; trong lĩnh vực chăn nuôi là: Đúng loại thuốc kháng sinh, đúng bệnh khi sử dụng, thuốc đúng nguồn gốc, thời gian tiêm thuốc đến lúc giết thịt đúng ngày quy định ghi trên bao bì sản phẩm.

   UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho 3.591 cơ sở sản xuất thực phẩm với quy mô lớn ký cam kết theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT, ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; tổ chức 58 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản nông sản cho trên 4000 lượt người tham dự; quản lý tốt vệ sinh thú y tại 82 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; tổ chức tốt 2 đợt tiêm phòng vụ xuân hè, thu đông và xây dựng kế hoạch phát động 2-3 đợt tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi.

Trong trong năm 2018, UBND huyện Yên Mô đã hướng dẫn các xã thực hiện 09 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Bao gồm: Mô hình hỗ trợ 01 lò sấy nông sản an toàn tại hợp tác xã nông nghiệp Đông Thôn – xã Yên Thái; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp với lúa cá tại xã Yên Mỹ và Yên Thành; nuôi lợn rừng lai, lợn bản địa tại xã Yên Thái, Yên Đồng; nuôi cá chạch đồng, chạch sụn tại xã Yên Hoà; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc kết hợp cấy lúa tại xã Mai Sơn; hỗ trợ chứng nhận cơ sở sản xuất nấm an toàn tại HTX nấm Văn Quyên, xã Yên Phong; nuôi cá trắm thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trên ao nổi tại xã Yên Thành và mô hình sản xuất khoai tây, ngô ngọt và mô hình sản xuất đậu xanh, lạc gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại xã Yên Thái.

Với việc áp dụng những quy định trong sản xuất sạch hơn và xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nông sản có giá trị gia tăng cao đem lại thu nhập ổn định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất sạch hơn tại huyện Yên Mô còn một số hạn chế, đó là: Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, kém hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hoá. UBND huyện đã xây dựng các mô hình sản xuất sạch, theo hướng tiêu chuẩn VietGAP nhưng việc nhân rộng những mô hình này còn hạn chế. Một bộ phận nông dân vẫn chưa thay đổi tập quán canh tác nên dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tùy tiện không theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước, không áp dụng kỹ thuật theo phương pháp “4 đúng, “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu, tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả), “1 phải 5 giảm" (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới, tổn thất sau thu hoạch). Bên cạnh đó, trong vấn đề đầu ra, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân tự ý bán sản phẩm ra thị trường tự do với giá cao hơn giá hợp đồng, dẫn tới phá vỡ hợp đồng trong chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Việc này đem lại lợi ích trước mắt cho người dân, nhưng gây hại cho doanh nghiệp và cho chính cả người sản xuất về lâu về dài, làm cản trở quá trình đẩy mạnh sản xuất hàng hoá của địa phương.

Để đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững ngành nông nghiệp của Yên Mô, tác giả kiến nghị những giải pháp cơ bản sau:

Một là, huyện uỷ, UBND huyện cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp địa phương, chỉ đạo đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, dần xoá bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện phát triển những vùng sản xuất chuyên canh lớn có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thêm những mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng những điển hình này.

Hai là, tuyên truyền thường xuyên giúp người dân nâng cao nhận thức về những lợi ích của việc sản xuất sạch hơn, an toàn, ý thức, trách nhiệm của mình vì lợi ích chung của tập thể, của địa phương.

Ba là, UBND huyện phối hợp với các HTX không chỉ tổ chức và hướng dẫn người dân thực hành lối canh tác nông nghiệp sạch hơn mà còn hướng người dân tới nền nông nghiệp hữu cơ, tiếp cận với những phương pháp canh tác hiện đại của thế giới. Trong bối cảnh hội nhập, để những nông sản có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, xa hơn là vươn tới các thị trường quốc tế thì trước hết, không chỉ Yên Mô mà bất kỳ địa phương nào khác cần định hướng sản xuất nông nghiệp tiệm cận dần với tiêu chuẩn VietGAP và xa hơn là AseanGAP, GlobalGAP,….

          Bốn là, thực hiện liên kết chặt chẽ 6 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà “băng” và nhà phân phối. Phát huy vai trò nòng cốt của các HTX điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dần hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa bền vững từ đầu vào tới đầu ra.

Năm là, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản, nhận diện thương hiệu của địa phương như nem chua Yên Mạc, bánh bún Khánh Dương, giò trứng Yên Từ,…. góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Yên Mô cũng như các địa phương khác đang chuyển mình trong giai đoạn đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn là xu thế lựa chọn của người tiêu dùng. Huyện Yên Mô đang có những bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế. Sẽ còn nhiều những khó khăn để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng huyện Yên Mô sẽ thực hiện thành công mọi nhiệm vụ đề ra, phấn đấu đến năm 2022 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.

1 https://vncpc.org/san-xuat-sach-hon-can-hieu-the-nao-cho-dung/

2https://baomoi.com/nhieu-lo-nong-san-viet-bi-cac-nuoc-tra-ve-vi-sao/c/23804912.epi

3http://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-nong-nghiep-khoi-sac-sau-5-nam-thyc-hien-tai-co-cau-20180622082454234p2c21.htm



                    Quách Đỉnh Phúc

                           Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh



Các nghiên cứu khoa học   thông tin lý luận và thực tiễn   khác  

Cảm nhận sau chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHI ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH BÌNH
Chi tiết  
CÔNG TÁC THAM MƯU VỀ TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA PHÒNG TỔ CHỨC-HÀNH CHÍNH-QUẢN TRỊ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Chi tiết  
CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CHI BỘ PHÒNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC- THÔNG TIN - TƯ LIỆU HỌC TẬP PHONG CÁCH LÀM VIỆC KHOA HỌC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Chi tiết  
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CÁC CHI BỘ TRỰC THUỘC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH BÌNH
Chi tiết  
PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG XÂY DỰNG KHU DÂN CƯ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở XÃ KHÁNH NHẠC, HUYỆN YÊN KHÁNH, TỈNH NINH BÌNH
Chi tiết  
Một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Ninh Mỹ huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện nay
Chi tiết  
MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ SẮP XẾP ĐỘI NGŨ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ LẠC VÂN- HUYỆN NHO QUAN
Chi tiết  
CÔNG TÁC GIÁM SÁT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM HUYỆN NHO QUAN, TỈNH NINH BÌNH THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Chi tiết  
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN CỦA TỈNH NINH BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Chi tiết  

[1] 2 3 4 5

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






Trang chủ | Tài liệu | Giới thiệu | Lịch công tác | Liên hệ | Đăng nhập
          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com