Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1705608
Đang online: 10

          Các bài viết và sưu tầm
Ninh Bình hiện thực hóa khát vọng xây dựng đô thị di sản thông minh
13/05/2025 9:27:08 SA

Tóm tắt: Trong xu thế phát triển toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), xây dựng và phát triển đô thị thông minh đã trở thành mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Với vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nguồn lực nhân văn, Ninh Bình chứa đựng những giá trị độc đáo, tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Từ khóa: Hiện thực hóa, Khát vọng, Đô thị di sản thông minh, Ninh Bình.

1. Đặt vấn đề

Đô thị thông minh, còn được gọi là “smart city”, là một khái niệm đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Đô thị thông minh sử dụng công nghệ và hạ tầng thông minh để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường hiệu quả quản lý đô thị, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, cũng như tạo ra cơ hội kinh doanh và đầu tư mới. Đô thị thông minh là sự hội tụ của ba yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Đô thị thông minh được chia thành sáu lĩnh vực chính, gồm: (1) Quản lý - tổ chức: chính quyền bắt buộc phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý. (2) Công nghệ: các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh. (3) Cộng đồng dân cư: chủ thể chính trong đô thị thông minh là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí có thể tham gia công tác quản lý thành phố. (4) Kinh tế: lợi ích kinh tế là động lực chính thúc đẩy việc xây dựng đô thị thông minh. (5) Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông: ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phát triển của đô thị thông minh. (6) Môi trường tự nhiên: là giá trị cốt lõi mà đô thị thông minh hướng tới.

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của cuộc CM 4.0 vào đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững vùng, quốc gia. Một số thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới có thể kể đến như: Singapore - thành phố thông minh hàng đầu thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi lĩnh vực, từ giao thông, giáo dục, y tế, đến an ninh trật tự và môi trường. Helsinki - Phần Lan được biết đến với những nỗ lực xây dựng thành phố thông minh bền vững khi sử dụng các công nghệ thông minh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo ra môi trường sống xanh cho người dân. New York - Mỹ được biết đến với mạng lưới giao thông thông minh hiện đại, sử dụng các hệ thống thông minh để điều khiển, giảm thiểu tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Seoul - Hàn Quốc được đánh giá cao về khả năng ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực an ninh trật tự để giám sát an ninh, phòng ngừa và xử lý tội phạm. Các thành phố thông minh trên thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới, sự lựa chọn của Ninh Bình phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức.

2. Tiềm năng trong xây dựng đô thị thông minh

 Nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, một giao điểm trọng yếu có vai trò kết nối giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng đồng bằng Sông Hồng, thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, giữa vùng Tây Bắc với phía Nam hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, Ninh Bình hiện sở hữu những điều kiện và cơ hội để xây dựng mô hình đô thị di sản thông minh. Bên cạnh vị trí đắc địa hiếm có, thuận lợi cho giao thương, tổ chức lãnh thổ, quản trị liên kết vùng, thu hút đầu tư, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đô thị hoá, kết nối liên vùng, Ninh Bình còn sở hữu di tích lịch sử cấp quốc gia với nét kiến trúc, văn hóa kinh kỳ độc đáo của Kinh đô Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X - trụ sở của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh những giá trị to lớn về văn hóa, Ninh Bình còn có cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Tam Cốc -Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… Những điểm đến này tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, giúp Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Đặc biệt, Ninh Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực Đông Nam Á sở hữu danh hiệu “Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An” được UNESCO công nhận vào năm 2014. Đây là tài sản vô giá của quốc gia và của tỉnh, tạo động lực để xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng "Đô thị di sản thiên niên kỷ".

Với lợi thế về di sản, cảnh quan thiên nhiên, Ninh Bình đang tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội để phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, trở thành một hình mẫu đô thị di sản của thế kỷ 21. Từ một tỉnh thuần nông, Ninh Bình đã có những bước tiến vững chắc trong quá trình đô thị hóa. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, tỉnh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng không gian thông minh, xanh và bền vững, định hình ngày càng rõ nét chức năng một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp chế biến rau quả; từng bước khẳng định vai trò một trung tâm tổ chức sự kiện, đổi mới sáng tạo ngoài trời, cung ứng dịch vụ sinh thái của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa mức sống và chất lượng sống người dân nông thôn tiệm cận khu vực đô thị; tốc độ đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ, tạo tiền đề, nền tảng và động lực cơ cấu lại tính chất, chức năng lãnh thổ giữa các vùng, nâng cao vị thế, giá trị thương hiệu địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Ninh Bình còn lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa trên nền đô thị di sản Cố đô với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp, giữa đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Tình trạng đô thị hóa tự phát, quản lý đô thị thiếu bài bản, chưa bám sát các tiêu chí phát triển đô thị di sản, đô thị cảnh quan văn hóa, đô thị sinh thái. Những thách thức này đòi hỏi Ninh Bình phải có chiến lược rõ ràng và kế hoạch triển khai hiệu quả, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới xây dựng đô thị di sản văn minh.

3. Hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị di sản thông minh

Ngày 28/02/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành nghị quyết  số 21-NQ/TU với mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; là thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa - giải trí của vùng, quốc gia, hội nhập quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; một trung tâm quan trọng của đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm đổi mới sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới Ninh Bình cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, thống nhất nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Thống nhất nhận thức trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xu hướng tất yếu của đô thị hoá và việc xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo là xu hướng khách quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Định hình tư duy quản trị và phát triển địa phương trên cơ sở phát huy nguồn lực, sức mạnh văn hóa, con người, giá trị cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Hai là, quy hoạch, phân bố và tổ chức không gian phát triển thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

 Rà soát cơ sở chính trị - pháp lý về thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chí phân loại đô thị di sản Cố đô theo quy định để hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị, gia tăng quy mô dân số gắn với tổ chức lại dân cư phù hợp từng phân khu chức năng, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình. Tổ chức lập đồng bộ các quy hoạch, tăng cường quản lý và thực hiện quy hoạch theo hướng phát triển nông thôn - đô thị hòa hợp, lấy đô thị làm động lực cho xây dựng nông thôn mới, lấy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu làm cơ sở kiến tạo đô thị cảnh quan văn hoá, hình thành những “bảo tàng sống” nông nghiệp - nông thôn, tạo nên những không gian “xanh” chuyển tiếp giữa các đô thị. 

Ba là, phát triển kinh tế xanh, sáng tạo, hiện đại; xác lập vị thế, vai trò một thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành quan trọng của vùng, đất nước và hội nhập quốc tế trên những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng “xanh, sáng tạo, hiện đại”, dựa trên “Ba nền tảng” (Giá trị văn hóa - thiên nhiên - con người vùng đất Cố đô Hoa Lư; Hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối; Thể chế quản trị địa phương hiện đại) và “Bốn trụ cột” kinh tế (lấy du lịch, công nghiệp văn hóa - giải trí làm cụm ngành kinh tế mũi nhọn; lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, trụ cột là công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ). Định hình cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả gắn với những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; khởi tạo khu vực kinh tế mới nổi như công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; nghiên cứu thúc đẩy các dự án xây dựng đô thị thông minh.

Bốn là, phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn của thành phố di sản thông minh, kết nối liên vùng.

Đầu tư hiện đại hóa hạ tầng đô thị và phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững theo các tiêu chí đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao), các dịch vụ công cộng đô thị và nông thôn (công viên, khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng,...), nhà ở xã hội, xây dựng các đô thị chức năng hiện đại, công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững, kiểm soát quá trình đô thị hóa. Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc công trình, khẳng định bản sắc địa phương (nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm tổ chức sự kiện, cung triển lãm - hội chợ, trung tâm nghệ thuật đương đại, truyền hình, quảng trường, tượng danh nhân, tháp biểu tượng đô thị di sản thiên niên kỷ...).

Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa.

Rà soát, lập đồng bộ hệ thống quy chế quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị để thống nhất quản lý không gian, nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan môi trường. Đầu tư đồng bộ phát triển hạ tầng xanh ở các khu vực như đường phố, ven các sông, tuyến kênh, công viên đất ngập nước, khu dự trữ sinh quyển, bãi ngang phù hợp chức năng từng khu vực đô thị, bảo đảm môi trường sinh thái, có tán cây, màu sắc hài hòa, sinh động tạo nét đặc trưng đô thị di sản. Ưu tiên sử dụng vật liệu xanh cho các công trình công cộng.

Sáu là, xây dựng văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu địa phương, tham gia sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Giữ gìn, làm giàu bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trên cơ sở kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm mới truyền thống bằng tinh thần thời đại. Phát triển toàn diện con người Ninh Bình làm nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa, hội nhập. Định hình lối sống, nếp sống đô thị, phong cách thị dân, nhất là văn minh công cộng. Mỗi người dân phải trở thành một sứ giả quảng bá hình ảnh địa phương thể hiện trong mọi mặt văn hóa, lối sống, nếp sống, phong cách kinh doanh. Tăng cường marketing địa phương, quảng bá những nét đẹp của văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, những đặc sản địa phương và điều kiện tiếp cận các dịch vụ thuận lợi. Thúc đẩy hợp tác quốc tế đa phương và song phương, tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, các mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo toàn cầu, tạo điều kiện để tỉnh Ninh Bình tham gia sâu vào các chương trình hợp tác bảo tồn di sản và phát triển bền vững.

Kết luận: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thông minh không chỉ là mục tiêu chiến lược của tỉnh, mà còn là xu thế phát triển tất yếu nhằm phát huy tối đa tiềm năng văn hóa - thiên nhiên độc đáo, giá trị lịch sử lâu đời và lợi thế cạnh tranh vượt trội. Với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển rõ ràng, cùng sự quyết tâm đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ biến khát vọng thành hiện thực, khẳng định vị thế của Ninh Bình trên bản đồ các thành phố di sản và đổi mới toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của quốc gia trong kỷ nguyên mới./.

 

                                                     Ths.GVC Đinh Thị Thu Hương

                                            Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật




Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới


Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: “Ninh Bình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”


Chi tiết  
Phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  
Phòng QLĐT&NCKH ứng dụng CNTT và chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động


Chi tiết  
Một số chỉ dẫn của V.I.lênin về sự kết hợp các mặt đối lập và sự vận dụng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay


Chi tiết  
Chi đoàn Thanh niên Trường Chính trị Ninh Bình thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội điểm Đảng bộ Trường Chính trị Ninh Bình


Chi tiết  
Trường Chính trị Ninh Bình tổ chức đoàn nghiên cứu và học tập kinh nghiệm xây dựng trường chính trị chuẩn mức 2 tại Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng


Chi tiết  
Những chỉ dẫn quý báu từ tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’’


Chi tiết  
Ninh Bình - Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến du lịch, hỗ trợ du khách


Chi tiết  
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” vào thực hiện công tác dân vận giai đoạn hiện nay


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh


       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Hoa Lư. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com