Tác phẩm
“Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10/1947 luôn
được coi như một văn kiện quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Đó cũng là tài liệu học tập, giáo dục, rèn luyện
chấn chỉnh lại nhận thức lề lối, tác phong và phẩm chất đạo đức, năng lực công
tác của cán bộ, đảng viên. Tác phẩm có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc,
góp phần quan trọng trong xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ,
đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên các trường Đảng trong
giai đoạn hiện nay.
Ngày 29/3/2024,
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nội dung và giá trị thời đại”. Đây
là diễn đàn khoa học để cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường trao đổi, thảo
luận khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm, đồng thời góp
phần nhận diện, đấu tranh với một số quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận
những đóng góp của Người về con đường cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện
nay. Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận, là những công trình nghiên cứu
công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, mang tính khoa học và thực tiễn sâu sắc, khẳng
định giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, Hội thảo đã tập trung làm nổi bật giá trị cốt lõi của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ
đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường và phong cách, phương pháp làm việc, học
tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, học viên trong thực hiện nhiệm vụ chính
trị hiện nay.
Nhận thức sâu sắc lời dạy của Người qua tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc”, trong thời gian qua, cán bộ, đảng viên, học viên công tác và học tập
tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, rèn đức, luyện tài; phát huy cao vai trò, trách nhiệm
trong dạy và học, góp phần quan trọng vào thành tích chung của nhà trường.
Thứ nhất, vận dụng
sáng tạo tư tưởng của Người về xây dựng đội ngũ cán bộ, Nhà trường luôn thực
hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công
tác tổ chức cán bộ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có
đạo đức nghề nghiệp, mẫu mực, có ý thức tổ chức kỷ luật, được đào tạo bài bản về chuyên môn;
luôn tu dưỡng, rèn luyện, tích cực đổi mới lề lối làm việc khoa học, hiệu quả.
Hiện nay, Đảng bộ nhà trường có 96 đảng viên, 47 đảng viên của 5 chi
bộ trực thuộc và 50 đảng viên lớp TCLLCT tập trung khoá XIII, có 32 giảng viên
(17 giảng viên chính và tương đương); về trình độ chuyên môn: có 45/47 đồng chí
trình độ đại học và trên đại học (01 tiến sỹ, 34 thạc sỹ); về trình độ lý luận
chính trị: 28 đồng chí trình độ cao cấp, 14 đồng chí trình độ trung cấp. Nhìn chung, đội ngũ giảng viên không ngừng
nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ và năng lực, nghiệp vụ sư phạm, tích
cực tham gia các hoạt động chuyên môn, tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường
hiệu quả, chất lượng. Năm 2023, có 02 đồng
chí tham dự Hội thi giảng viên dạy
giỏi toàn quốc lần thứ VIII tại TP. Hồ Chí
Minh, kết quả 01 giảng viên đạt loại xuất sắc, 01 giảng viên đạt loại giỏi.
Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên,
viên chức luôn được quan tâm và chú trọng. Từ 2022 đến nay, Trường đã bố trí,
sắp xếp cho 01 đồng chí đi học nghiên cứu sinh; 06 đồng chí học Cao cấp lý luận
chính trị hệ tập trung; 01 đồng chí học Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập
trung; 02 đồng chí hoàn thành chương trình Thạc sĩ; 01 đồng chí hoàn thành
chương trình cử nhân giảng dạy Lý luận chính trị; 05 đồng chí học văn bằng 2 hệ
cử nhân tiếng Anh; 30 cán bộ, viên chức hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức Kinh
điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, cán bộ, giảng viên có cơ hội
học tập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng. Từ tháng 01/2022 đến hết
tháng 3/2024, cán bộ, giảng viên đã tham gia giảng dạy và phục vụ
167
lớp đào tạo, bồi dưỡng với
13.603 học viên.
Thứ hai, nghiêm
túc nhận diện và khắc phục những căn bệnh vẫn còn hiện hữu trong cán bộ, đảng
viên.
Trong tác phẩm, Người chỉ ra nhiều căn bệnh và chia những
căn bệnh đó thành 3 loại chính là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ
quan; khuyết điểm về mối quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi
và khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Đây đều là những căn bệnh
nguy hiểm, bởi nó đến từ bên trong bản thân mỗi cán bộ đảng viên, nếu không
phát hiện hoặc phát hiện ra mà không sửa chữa hết, nhất là thói ba hoa, vi phạm
kỷ luật phát ngôn, thì không thể đứng vững trên bục giảng trường Đảng. Nhớ
lời căn dặn của Người: Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng
sách. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ
hiểu. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn
làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin,
đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết
cho ai xem? Nói cho ai nghe?
Quán triệt quan điểm trên,
trong hoạt động chuyên môn của giảng viên, lề lối làm việc của cán bộ, đảng
viên nhà trường thời gian qua đã được nghiêm túc sửa đổi và có những tiến bộ
đáng kể. Giảng viên thực hiện tốt việc gắn liền hoạt động nghiên cứu thực tế với
hoạt động giảng dạy, đưa “hơi thở cuộc sống” vào nhận thức và nghiên cứu giảng
dạy của mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần
nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường trong thời gian
qua. Năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên
liên tục được nâng cao trong bối cảnh nhà trường tích cực, khẩn
trương thực hiện các đề tài, hội thảo các cấp hướng tới về đích Trường chính
trị chuẩn mức 1 vào năm 2024. Mỗi năm Trường triển khai từ 03 đề tài, 03 hội thảo khoa
học cấp trường trở lên. Hiện đã hoàn thành 01 đề án cấp tỉnh, 01 đề tài khoa học
cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 và đang thực hiện nghiên cứu 01 đề tài cấp tỉnh về: “Nâng cao
vai trò của hệ thống chính trị cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh
Bình”. Đã tổ chức thành công 03 hội thảo khoa học cấp
tỉnh, hiện đang tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh về “Học tập làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đa số các công trình
khoa học do cán bộ, giảng viên nhà trường thực hiện hướng vào nghiên cứu, đánh
giá và khuyến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các tổ
chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh
tế - xã hội trong các lĩnh vực cụ thể... Các đầu sách được xuất bản, các bài
viết cuốn “Thông tin lý luận và thực tiễn”, Trang Thông tin điện tử; Website
“Việt Nam thịnh vượng” liên tục
được đăng tải thời gian qua đã rèn luyện, nâng cao chất lượng nghiên
cứu, khả năng phát hiện vấn đề nảy sinh trong thực tiễn có liên quan đến lĩnh vực,
chuyên môn giảng dạy cần được tìm hiểu, giải đáp. Từ đó, rút ra bài học kinh
nghiệm có tính khái quát cao, vận dụng vào các bài giảng, gắn liền lý luận với
thực tiễn.
Đồng
thời, đội ngũ học viên của Trường luôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong
học tập, rèn luyện, tích cực xây dựng văn hoá trường Đảng, khắc phục tình trạng
coi nhẹ, lười học tập lý luận chính trị, tình trạng làm việc riêng, lướt web, nghe
điện thoại, ra vào tự do trong giờ học.
Mỗi học viên đều xác định rõ động cơ học tập, ý chí
phấn đấu vươn lên, luôn đặt mình vào trong tập thể, lan toả những phương pháp,
cách học hay, giúp đỡ đồng chí cùng tiến bộ, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thứ ba, vận dụng
sáng tạo “phương thuốc” tự phê bình và phê bình để sửa chữa những căn bệnh,
khuyết điểm trên.
Tự phê bình và phê bình
được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều lần nhất trong tác phẩm, bởi tầm quan trọng
đặc biệt của nó đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tự phê bình và phê
bình, theo Người, là để nhận rõ ưu điểm, thấy được khuyết điểm, để từ đó tìm
cách phát huy ưu điểm, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, để giúp nhau tiến bộ, để
sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Tại Hội thảo đã có nhiều tham luận
liên quan đến nội dung này, khẳng định sự vận dụng sáng tạo “phương thuốc” tự phê bình và phê bình để sửa chữa các
khuyết điểm. BGH, lãnh đạo khoa luôn thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra chuyên môn đối với
giảng viên, qua đó đánh giá những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế và có những
giải pháp khắc phục kịp thời để đội ngũ giảng viên tiếp tục thực
hiện tốt nhiệm vụ. Công tác quản lý học viên nhiều năm trở lại đây đã thật
sự đi vào nề nếp, có sự giám sát chặt chẽ, đồng bộ, khách quan tạo sự tập
trung, nghiêm túc trong học tập, sĩ số học viên tham gia luôn đảm bảo, góp phần
quan trọng vào sự thành công của công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Với ý nghĩa như vậy, trên cơ sở giá trị của tác phẩm “Sửa đổi lối làm
việc”, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học
viên trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Một là, công tác
đào tạo, bồi dưỡng của Trường phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức,
hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; là trụ cột trong việc đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, những thủ đoạn tinh vi chống
phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đòi hỏi Đảng uỷ, Ban Giám hiệu tập trung lãnh đạo
các chi bộ, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ và cán bộ, viên chức, người lao động
trong Trường thực hiện thắng lợi các kế hoạch, nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao; xây dựng Đảng bộ, đơn vị, đoàn thể vững mạnh; làm tốt công tác
giáo dục chính trị
- tư tưởng, công tác tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra,
giám sát và lãnh đạo các đoàn thể góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính
trị tỉnh Ninh Bình lần thứ IX và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt,
phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 vào
cuối năm 2024; với các giá trị cốt lõi là: Chất lượng, Hiệu quả, Chuyên nghiệp, Hiện đại.
Hai là, người
giảng viên cần nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
không chỉ bảo vệ mà còn phát triển lý luận khoa học đó. Do vậy, “mỗi cán bộ,
mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế.
Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”1. Thường
xuyên phải học tập để nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng, nâng cao tri thức
toàn diện, sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường
lối của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và thế giới, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái của các thế lực thù địch. Không ngừng trau dồi về phẩm chất đạo
đức, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp làm việc theo
hướng khoa học, hiệu quả để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, mỗi cán
bộ, giảng viên cần thấm nhuần hơn nữa tư tưởng tự phê bình và phê bình, sửa
chữa bằng được những khuyết điểm và sai lầm, xây dựng lề lối làm việc văn
minh, khoa học, giữ vững văn hoá trường Đảng. Tiếp tục học tập phương pháp của
Người về tự phê bình và phê bình, phải trung thực, thẳng thắn, đảm bảo các
chuẩn mực đạo đức và văn hóa. Nêu cao dũng khí tự phê bình và phê bình, phương
pháp phê bình có hiệu quả, tuyên truyền đến học viên tinh thần đó thông qua các
bài giảng, bài viết nghiên cứu khoa học…, quyết tâm làm cho Đảng thực sự trong
sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi cho
học viên đổi mới phương pháp học tập, rèn luyện. UBND tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ
xây dựng và mua sắm trang thiết bị sớm hoàn thiện khu trụ sở làm việc, đồng thời,
tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc mở rộng diện tích cho Trường đảm bảo các tiêu
chuẩn về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật phục vụ dạy và học. Thi đua học tập, rèn luyện giữa các
lớp về tác phong, nền nếp, chất lượng trong học tập, tích cực tự học, tự nghiên
cứu lý luận chính trị. Nâng cao nhận thức, khơi dậy và phát huy truyền thống
lịch sử của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình ngay từ buổi khai giảng của mỗi lớp
học đến những đợt sinh hoạt chính trị để các thế hệ học viên hiểu và ý thức sâu
sắc hơn về những giá trị truyền thống của Trường Đảng. Sửa đổi lối
làm việc sẽ giúp cho đội ngũ học viên nâng cao được trình độ lý
luận, bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng trước những yêu cầu và thử thách mà
cuộc sống đặt ra.
Tác phẩm “Sửa đối lối làm việc” ra
đời cách đây 77 năm, đất nước đã trải qua nhiều đổi thay, nhưng tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng hổi, chứa
đựng những vấn đề đề lớn, vừa có tính lý luận, tính nguyên tắc; vừa có tính chỉ
đạo thực tiễn sâu sắc. Hội thảo khoa học “Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí
Minh – Nội dung và giá trị thời đại”
đã giúp mỗi cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình nhận
thức sâu sắc, phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, vận
dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác và học tập, đáp
ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Thông qua đó giúp cho cán bộ, giảng
viên và học viên củng cố lập trường tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh
đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm
vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
-------------------------------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,
2011, tr.234-235.
Ths. Đàm Thị Hồng
Giảng
viên Khoa Lý luận cơ sở
|