Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1684903
Đang online: 12

          Các bài viết và sưu tầm
TÌM HIỂU QUAN ĐIỂM “NỘI LỰC LÀ QUYẾT ĐỊNH, NGOẠI LỰC LÀ QUAN TRỌNG” CỦA ĐẢNG TA TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
16/10/2019 9:13:55 SA

Khoảng cuối thế kỷ XX, khi tiến hành mở cửa nền kinh tế, vấn đề nội lực và ngoại lực đã được nói đến nhiều tại Việt Nam. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, có thể nói cả nội lực và ngoại lực đều có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến sự phát triển của một quốc gia. Thực tiễn cho thấy, sẽ là không khôn ngoan nếu không biết dựa vào ngoại lực để phát triển đất nước, và kinh tế cũng sẽ không bền vững nếu không biết phát huy nội lực dân tộc. Câu hỏi ngoại lực nên được kết hợp với nội lực như thế nào để phát triển nhanh và bền vững không phải chỉ dành riêng cho Việt Nam. Là một quốc gia đi sau, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để hòa nhập, đồng thời khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”[1].

Hiện nay, có nhiều khái niệm khác nhau về nội lực và ngoại lực, sự khác nhau đó tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử và góc độ tiếp cận của các nhà nghiên cứu.  Ở khái niệm rộng, nội lực được hiểu là toàn bộ sức mạnh vật chất và tinh thần bên trong của một quốc gia; ngoại lực là toàn bộ các yếu tố vật chất và tinh thần bên ngoài quốc gia như vốn, tri thức công nghệ, kỹ năng quản lý và thị trường… Ở phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này, để tìm hiểu quan điểm nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, tác giả xin đề cập đến hai khái niệm này theo quan điểm nội lực và ngoại lực của Giáo sư Trần Văn Thọ [2]. Ông cho rằng có 3 yếu tố quan trọng nhìn được cả hai mặt nội lực và ngoại lực, đó là vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh. Từ các yếu tố này, bài viết sẽ nghiên cứu, tìm hiểu nội dung quan điểm nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng trong phát triển kinh tế của Đảng ta.

 Thứ nhất, Đảng ta khẳng định thu hút ngoại lực là cần thiết song không phải bất cứ ngoại lực nào nước ta cũng thu hút và tiếp thu.

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước với xuất phát điểm thấp, nội lực yếu kém: cơ sở vật chất - kỹ thuật thấp kém, khoa học công nghệ lạc hậu, trình độ, kinh nghiệm quản lý còn nhiều hạn chế, thiếu vốn để xây dựng hạ tầng cơ bản, … Từ nhận thức đó, Đảng ta đã xác định ngoại lực là cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong quá trình đổi mới.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), một trong bốn bài học Đảng ta rút ra làm kinh nghiệm cho suốt thời kỳ đổi mới là: “phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới” [3]. Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) trở đi, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại được Đảng cụ thể thành bài học “kết hợp nội lực và ngoại lực”. Thực tiễn 33 năm đổi mới kinh tế cho thấy, ngoại lực đã có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Các yếu tố cốt lõi của ngoại lực như vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý... đã giúp Việt Nam xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản, giúp nâng cao tổng vốn đầu tư xã hội, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, tiếp thu được kinh nghiệm quản lý tiên tiến...

Việc sử dụng ngoại lực là cần thiết song Đảng ta cũng xác định: không phải mọi yếu tố, mọi nguồn lực trên thế giới đều được coi là ngoại lực cho sự phát triển đất nước mà chỉ những nguồn lực bên ngoài có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nội lực mới được xác định là những ngoại lực cần thiết cho sự phát triển.

Thứ hai, trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, nội lực luôn là yếu tố quyết định ngoại lực và quyết định sự phát triển của quốc gia.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Nội lực có vai trò quyết định đối với sự phát triển. Có phát huy được nội lực mới thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực. Nội lực được tăng cường mới bảo đảm được độc lập, tự chủ về kinh tế và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế thành công”[4]. Trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta luôn xác định: “Ngoại lực … bổ sung cho nội lực, tạo thêm điều kiện để huy động và sử dụng nội lực có hiệu quả hơn”[5]. Như vậy, trong quá trình huy động các nguồn lực cho phát triển đất nước, Đảng ta xác định nội lực là yếu tố quyết định đối với sự phát triển; còn ngoại lực là yếu tố bổ sung, hỗ trợ cho việc huy động và sử dụng nội lực.

Nội lực quyết định ngoại lực ở chỗ, chính sự vận động và phát triển của nội lực đặt ra yêu cầu khách quan đối với việc thu hút ngoại lực nào, quy mô thu hút đến đâu… Trên thực tế, mỗi quốc gia khác nhau sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước để xây dựng kế hoạch thu hút các ngoại lực cần thiết cho sự phát triển. Khoa học công nghệ có hiện đại nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp thì cũng không thể sử dụng được. Vốn đầu tư của nước ngoài dẫu lớn mà trình độ quản lý, sử dụng nguồn vốn của nguồn nhân lực Việt Nam yếu kém, hoặc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ thì cũng làm giảm giá trị của nguồn ngoại lực đó, thậm chí, còn để lại hệ lụy lớn cho các thế hệ sau. Tóm lại, ngoại lực đất nước dù có tốt đến thế nào, muốn phát huy tác dụng đều phải thông qua nội lực đất nước.

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”[6]. Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì tất yếu phải khơi dậy, thúc đẩy được nội lực, phải lấy nội lực làm yếu tố căn bản để thu hút và sử dụng ngoại lực.

Thứ ba, nội lực quyết định ngoại lực nhưng ngoại lực có tác động ngược trở lại nội lực.

Nội lực và ngoại lực về cơ bản có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nội lực có tính quyết định ngoại lực, song ngoại lực cũng có tính độc lập tương đối, có thể tác động ngược trở lại nội lực. Trong mối quan hệ với nội lực đất nước, ngoại lực có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển, thậm chí ở một số trường hợp nhất định nó lại là nhân tố gây nên sự đột biến, tạo ra bước nhảy vọt hoặc cũng có thể hạn chế, kìm hãm nội lực, tác động tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta, ta khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta”[7]. Kế thừa tư tưởng đó của Người, Đảng ta chủ trương sử dụng ngoại lực để bổ sung cho nội lực. Đảng xác định: phải xây dựng chính sách khai thác và sử dụng ngoại lực hợp lý, hiệu quả để ngoại lực phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khai thác ngoại lực cần phải tranh thủ tận dụng tối đa những ưu thế, sức mạnh của ngoại lực để kịp thời khơi thông các nguồn lực trong nước; đồng thời, nắm được xu thế phát triển của các nguồn lực đó để có những cách thức điều chỉnh cho phù hợp với việc khai thác các nguồn lực trong nước.

Ngày nay, hội nhập quốc tế đã trở thành một yêu cầu tất yếu đối với các dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng trong quá trình hội nhập ấy, chúng ta phải biết giải quyết khéo léo mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực để phát triển nhanh mà không bị lệ thuộc. Việt Nam muốn phát triển bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào chính nội lực của đất nước, đó mới là những cái chúng ta thực có. Cho dù nguồn lực đó hiện chưa đủ mạnh, chưa đủ khả năng để nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng nó lại chứa đựng sức mạnh nội sinh, tiềm tàng, gắn bó cùng quá trình xây dựng và phát triển hàng nghìn năm của đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nhận thấy rằng các yếu tố mang tính quốc tế như: khoa học công nghệ, vốn đầu tư, trình độ quản lý của các nước phát triển... đã và đang góp phần không nhỏ vào khơi dậy tiềm năng nội lực, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước. Nếu quá đề cao nội lực, đóng cửa hoặc bảo hộ tiêu cực sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, xã hội kém phát triển, thậm chí thụt lùi, lạc hậu. Nhưng nếu quá phụ thuộc vào ngoại lực thì trước sau cũng không tránh khỏi sự lệ thuộc vào nước ngoài. Từ những lý do trên, trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm coi “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”[8].

Nguồn trích:

 [1]: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.102.

[2]: Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo), Nhật Bản.

[3]: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987.

[4]: Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 179.

[5]: Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần

thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 180.

[6]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4 NXBCTQG Hà Nội 1995 tr. 126.

[7]: Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1966, tr.30.

[8]: Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010.


 Phạm Thị Thanh Xuân

Giảng viên khoa Lý luận cơ sở



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Một số chỉ dẫn của V.I.lênin về sự kết hợp các mặt đối lập và sự vận dụng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay


Chi tiết  
Chi đoàn Thanh niên Trường Chính trị Ninh Bình thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội điểm Đảng bộ Trường Chính trị Ninh Bình


Chi tiết  
Trường Chính trị Ninh Bình tổ chức đoàn nghiên cứu và học tập kinh nghiệm xây dựng trường chính trị chuẩn mức 2 tại Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng


Chi tiết  
Những chỉ dẫn quý báu từ tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’’


Chi tiết  
Ninh Bình - Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến du lịch, hỗ trợ du khách


Chi tiết  
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” vào thực hiện công tác dân vận giai đoạn hiện nay


Chi tiết  
Lồng ghép việc phản bác các luận điệu sai trái về kết quả cải cách hành hính trong giảng dạy chuyên đề “Cải cách hành chính ở cơ sở” - Chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể - Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô


Chi tiết  
Nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Chi tiết  
Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường chính trị tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn mức 2


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Hoa Lư. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com