Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ vốn cổ phần, góp vốn chi phối, tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Vì vậy, việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nói chung và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nói riêng ở Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng suất của doanh nghiệp nhà nước, qua đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan điểm về cải cách doanh nghiệp nhà nước được khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, sau hơn 30 năm đổi mới, quan điểm và định hướng của Đảng ta về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nói riêng trong nền kinh tế Việt Nam đã tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc từ Đại hội VII đến Đại hội XII, trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật. Vị trí của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được khẳng định một cách rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”1. Để cụ thể hóa hơn quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng liên quan tới nhận thức về doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12 -NQ/TW ngày 03 -6- 2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Nghị quyết này không chỉ mở rộng phạm vi khái niệm doanh nghiệp nhà nước so với Luật doanh nghiệp năm 2014 mà quan trọng là đã nhấn mạnh hơn tới vai trò và vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nhằm cung cấp cho bạn đọc tài liệu tham khảo về cải cách doanh nghiệp nhà nước từ lý luận đến thực tiễn hiện nay, qua đó có những giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Phòng NCKH – TT – TL xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách: Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới: Thực trạng và giải pháp của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, xuất bản năm 2017, do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương làm chủ biên. Cuốn sách gồm 338 trang với 3 chương: Chương I: Kinh nghiệm quốc tế về cải cách doanh nghiệp nhà nước và bài học cho Việt Nam. Chương II: Thực trạng cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam giai đoạn 1986 – 2015. Chương III: Một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2025. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc! Ninh Bình ngày 21 tháng 11 năm 2018 |