Làng Nộn Khê có tên Nôm là làng Nuốn, thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô cách thành phố Hoa
Lư khoảng 25km về phía Tây Nam, cách
huyện Yên Mô (thị trấn Yên Thịnh) 5km về phía Đông Nam, theo đường 59B. Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê là một trong
những lễ hội nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. “Báo Bản” nghĩa là báo đáp công đức của thành hoàng làng, các bậc tiền hiền, những người có công khai khẩn đất
đai, lập dựng xóm làng. Đây là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đã được người dân
địa phương gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ.
Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê
có lịch sử hình thành và duy trì 555 năm, chứa đựng bản sắc văn hoá đặc trưng của
cộng đồng dân cư trong làng. Theo lệ
cũ, lễ hội Báo Bản chỉ diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Từ năm 1986, lễ hội được tổ chức trong hai ngày là ngày 13 và
14 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội
bảo lưu tương đối nguyên vẹn các nghi lễ mang tính cổ xưa gắn liền với tục thờ
tiền hiền, người có công lập làng, tục thờ anh hùng dân tộc từ thời Hậu Lê và tục
thờ thủy thần (Thủy tề đệ tam đại vương), tín ngưỡng thờ Mặt trời của cư dân
nông nghiệp lúa nước với các tục lệ: tục rước thánh, rước kiệu từ phía Đông sau đó đi một vòng, yến lão, nấu cỗ ban đêm, nuôi
gà lễ cùng với các trò chơi dân gian
đặc sắc như chọi gà, tổ tôm điếm, đi cầu phao, thi nấu cơm... Với
những giá trị đó, ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành
Quyết định số 3987/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội truyền thống Báo Bản làng Nộn
Khê là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sáng ngày 10/02/2025, Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật
thể Quốc gia đối với Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê cho đại diện làng Nộn Khê và
xã Yên Từ (Ảnh: sưu tầm)
1. Giá trị lịch sử - văn
hóa
Lễ hội Báo Bản cùng không
gian của lễ hội đã góp phần chuyển tải lịch sử 555 năm của vùng đất Nộn Khê từ buổi đầu sình lầy, đầm phá đầy lau sậy, cỏ gai
nơi bãi bồi ven biển đến ngày nay. Lịch sử của lễ hội không chỉ gắn liền với lịch
sử của một làng quê vùng ven biển xa xưa mà nó còn là lịch sử đắp đê, quai đê lấn
biển, khai khẩn đất hoang, thau chua, rửa mặn, cải tạo đất đai và dựng làng lập
ấp của các cư dân Việt dưới thời Hậu Lê. Đặc biệt, sự hình thành của làng Nộn
Khê là kết quả của chính sách chiếm xạ - một chính sách khuyến khích người dân
khai khẩn đất đai ở các vùng ven biển lúc bấy giờ. Thể hiện sự tri ân của hậu
thế với các vị tiền hiền, có công dựng ấp lập làng, là một minh chứng của lịch
sử hình thành và phát triển của cả một vùng đất thuộc khu vực cửa biển Đại Ác,
Thần Phù khi xưa.
Lễ hội Báo Bản không chỉ phản
ánh lịch sử mà còn chứa đựng trong mình các lớp lang của hệ thống tín ngưỡng của
người Việt vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Căn cứ vào kiến trúc và đồ thờ tự cổ
của đình, miếu, sự kiện và nhân vật được thờ phụng liên quan đến di tích, thành
hoàng của làng Nộn Khê, có thể khẳng định các lớp văn hóa tín ngưỡng gắn liền với
hệ thống truyền thuyết về các vị thần, thánh được bồi đắp theo diễn trình lịch
sử dân tộc: lớp cổ xưa nhất là tín ngưỡng thờ Thủy thần (Thủy Tề Long vương), tín ngưỡng thờ
nhân thần (Phổ Thiên Đông Hải Đại Vương - Nguyễn Phục và Long Hoa Thụy Quế công
chúa), tín ngưỡng thờ người có công với làng (Các vị tiền hiền - thủy tổ của 8
dòng họ đầu tiên khai phá đất đai, dựng làng), tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc
(các anh hùng liệt sĩ).
Lễ hội Báo Bản còn phản
ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam - giai đoạn nhà Hậu Lê
bảo vệ biên cương bờ cõi phía Nam trước các hoạt động lăm le xâm phạm của Chiêm
Thành; mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam. Ở lễ hội Báo Bản và không gian
văn hóa Nộn Khê, tên tuổi của vua Lê Thánh Tông dẫn đầu đoàn quân Nam tiến
chinh phạt Chiêm Thành, tướng quân Nguyễn Phục cùng đoàn quân lương hỗ trợ vẫn
luôn hiện hữu cùng các câu chuyện, truyền thuyết liên quan. Ở đó gắn liền với một
địa danh đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời kì cổ, trung đại - cửa
biển Thần Phù - Chính Đại. Nơi đây đã ghi dấu biết bao anh hùng dân tộc, cùng
các chiến công của họ. Tạo nên sự linh thiêng về tâm linh, sự quan trọng, chiến
lược về địa chính trị - quân sự của vùng đất trong lịch sử của dân tộc Việt
Nam.
Lễ hội Báo Bản lưu giữ được
các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống như hát chèo, hát văn, các trò chơi bắt vịt, đi cầu tre, chọi gà, tổ tôm điếm… cho thấy
đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng của người dân Nộn Khê, người dân
ven biển nói riêng, của cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Lễ hội Báo Bản Nộn Khê không chỉ là dịp để dân
làng tưởng nhớ, tri ân các vị tiền hiền, những người có công với làng; sự trọng
vọng của dân làng với các cụ cao niên mà đây còn là lễ hội của các dòng họ, các
gia đình. Sau khi thực hành phần nghi lễ thiêng liêng ở đình làng, nhà từ đường
dòng họ, các gia đình sẽ tổ chức tại gia. Các thành viên trong gia đình đều về
nhà làm lễ cúng tổ tiên và mời bạn bè từ các nơi dự lễ hội. Đây là dịp để củng
cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, keo sơn giữa các thành viên của làng.
Lễ hội Báo Bản là dịp để giáo dục, ôn lại truyền
thống lịch sử lâu dài, vẻ vang của làng Nộn Khê. Đây là cách hun đúc tình yêu,
niềm tự tôn, tự hào và trách nhiệm với gia đình, dòng họ, làng xóm, quê hương,
đất nước cho mỗi người con của làng Nộn Khê.
Lễ hội Báo Bản là dịp để con
em xa quê hương và du khách thập phương về
vãn cảnh, cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân, gia đình; gửi gắm
niềm tin và ước mơ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để
người dân thỏa mãn các nhu cầu vui chơi, giải trí, giao lưu cùng mọi người.
2. Giá trị khoa học
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê góp phần bổ sung cho sự
phong phú và đa dạng của hệ thống lễ hội ở nước ta, cung cấp những tư liệu quý
cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa về vùng đất cửa sông ven biển Thần Phù - Chính Đại cổ xưa. Không chỉ vậy,
lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê còn góp phần khẳng định sự đúng đắn của chính sách khai
hoang, lấn biển của vua Lê Thánh Tông ở thế kỉ XV.
Đây là những lát cắt đương đại
trên vùng đất có bề dày lịch sử gắn với vị thế địa văn hóa, địa chính trị trải
qua các triều đại phong kiến. Vì vậy, quá trình lưu truyền, phát huy giá trị
văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ là chất liệu quan trọng để các nhà khoa học
tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập
quán của người dân Việt Nam xưa cùng quá trình tiếp biến trong đời sống hiện đại
ngày nay, góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc.
Lễ hội Báo Bản là một lễ trọng của người dân làng Nộn Khê từ xưa đến nay.
Điều này cho thấy vai trò quan trọng của lễ hội đối với đời sống tinh thần của
người dân nơi đây. Lễ hội Báo Bản là dịp trọng đại và thiêng liêng để giáo dục,
trao truyền cho các thế hệ về truyền thống đoàn kết, đạo lí uống nước nhớ nguồn,
biết ơn, tôn kính những người có công với đất nước, với dân tộc; khích lệ các
truyền thống tốt đẹp như đoàn kết, tương thân tương ái, hiếu học, thành đạt… Trải qua thời gian, Lễ hội đã có sức sống
mạnh mẽ, tầm ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ trong phạm vi xã, huyện mà còn lan tỏa
đến nhiều địa phương, thu hút đông đảo người tham gia./.
Ths.GVC:
Đinh Thị Tuyết Nhung
Khoa
Nhà nước và pháp luật
|