Tư
tưởng biện chứng về các mặt đối lập đã sớm xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Quan
điểm về sự kết hợp các mặt đối lập đã được C.Mác và Ph.Ăngghen bàn tới và được V.I.Lênin
làm sâu sắc thêm trong thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công thức của V.I.Lênin
về sự kết hợp các mặt đối lập có một vị trí đặc biệt quan trọng, đã vạch đường
cho các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước, nhằm làm xích lại, kết hợp những
mặt đối lập một cách khách quan, đem lại hiệu quả, lợi ích cho cách mạng.
V.I.Lênin
không những chứng minh về mặt lý luận - khả năng có thể kết hợp các mặt đối lập
với tính cách là một hình thức đặc biệt của sự thống nhất và đấu tranh của chúng
làm cho cái mới thắng cái cũ, mà khi áp dụng trên thực tiễn, Người còn chứng
minh tính tất yếu của sự kết hợp ấy trong chiến lược và sách lược của Đảng,
trong toàn bộ lịch sử đấu tranh của Đảng.
Chẳng
hạn, trong vấn đề sử dụng những mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa, thì
luận điểm về sự kết hợp các mặt đối lập là luận điểm quan trọng nhất. Trong bức
thư gửi công nhân Mỹ, khi vạch trần thái độ giả nhân giả nghĩa của bọn đế quốc
Anh - Pháp, vì chúng buộc tội những người bônsêvích là thoả hiệp với chủ nghĩa đế
quốc Đức, V.I.Lênin đã nêu ra thí dụ về sự thoả hiệp vào tháng 2 năm 1918 với đế
quốc Pháp, nhằm tổ chức việc phá hoại những tuyến đường sắt mà quân Đức dùng để
tiến công Nga: “Đó là một sự thí dụ về sự “thoả thuận” mà bất cứ người công nhân
giác ngộ nào cũng sẽ tán thành, một sự thoả thuận có lợi cho chủ nghĩa xã hội.
Tôi và người Pháp theo phái quân chủ đó đã bắt tay nhau, tuy rằng hai bên đều
biết chắc rằng mình rất muốn treo cổ “đồng minh” của mình lên. Nhưng tạm thời,
lợi ích của chúng tôi thống nhất với nhau. Để chống lại bọn tham tàn Đức đánh
chúng tôi, chúng tôi, vì lợi ích của cách mạng xã hội chủ nghĩa Nga và quốc tế,
đã lợi dụng những lợi ích đối chọi nhau, cũng không kém tham tàn của bọn đế quốc
khác”1.
Đồng
thời, V.I.Lênin cũng nhìn thấy khả năng lợi dụng những bất đồng giữa các thành
phần khác nhau của giai cấp tư sản, Người liên tục căn dặn Đảng đừng phạm sai lầm
xem giai cấp tư sản là mặt đối lập “thuần tuý”, thuần nhất ở bản thân nó. V.I.Lênin
kiên trì nêu lên tư tưởng ấy trong các tác phẩm của mình, đặc biệt trong cuốn Bệnh
ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, Người đã nói sự cần thiết đối
với giai cấp vô sản phải sử dụng những mâu thuẫn không những giữa các tập đoàn
khác nhau của giai cấp tư sản, mà còn giữa các nhà hoạt động chính trị tư sản.
Người chú ý tới việc lợi dụng những mâu thuẫn trong chính giai cấp tư sản, cần
thiết phải khôn khéo lợi dụng “những rạn nứt” nhỏ nhất, thêm vào đó là sự đối lập
quyền lợi giữa giai cấp tư sản của các nước khác nhau. Ông cho rằng, người nào
không hiểu điều đó thì không hiểu tí gì trong chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội
khoa học hiện đại.
V.I.Lênin
đã áp dụng phương pháp kết hợp các mặt đối lập vào soạn thảo kế hoạch chiến lược
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội nhờ chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiêu
biểu là chính sách kinh tế mới thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến. Chính
sách này nhằm cho phép chủ nghĩa tư bản và sự tự do buôn bán tồn tại trong những
phạm vi nhất định, với sự có mặt của nền sản xuất lớn, giao thông vận tải tập
trung trong tay nhà nước thì đó là biện pháp duy nhất để đưa đất nước tiểu nông
tiến lên chủ nghĩa xã hội.
V.I.Lênin
còn nêu lên một nguyên tắc quan trọng nữa cần phải tuân thủ khi kết hợp các mặt
đối lập, đó là bắt mặt đối lập này phải phục tùng mặt đối lập kia - mặt không
chủ yếu phục tùng mặt chủ yếu. Điều quan trọng là kết hợp chúng như thế nào để
có được sự thống nhất hài hoà, không phải theo nghĩa hoàn toàn triệt tiêu các
khuynh hướng đối lập, mà theo ý nghĩa làm sao các yếu tố chung trùng hợp nhau và
hoạt động theo hướng đem lại hiệu quả lớn nhất, vì lợi ích của công cuộc xây dựng
chủ nghĩa cộng sản. Phương pháp kết hợp phải phù hợp với bản chất của bản thân
các mặt đối lập, V.I.Lênin nói: “…có thể kết hợp các khái niệm đối lập ấy lại với
nhau thành một điệu nhạc chối tai, mà cũng có thể kết hợp chúng lại thành một điệu
nhạc êm tai”2.
Luận
điểm của V.I.Lênin về việc kết hợp các mặt đối lập có một ý nghĩa quốc tế to lớn.
Trong điều kiện hiện nay, nó được áp dụng rộng rãi, hiệu quả ở các nước quá độ
lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã vận dụng các nguyên lý
biện chứng duy vật, đặc biệt là lý thuyết về các mặt đối lập, để đối phó với những
mâu thuẫn và thách thức mà đất nước phải đối diện, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc
đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong
quá trình đổi mới, Việt Nam đã lựa chọn chiến lược mở cửa nền kinh tế, thu hút
đầu tư nước ngoài (tư bản), đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và
công nghệ cao, thông qua việc cải cách pháp lý và chính sách ưu đãi. Sau gần 40
năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xu hướng thu hút FDI tại Việt Nam
đã có những thay đổi, chuyển biến theo hướng tích cực, bảo đảm thu hút FDI gắn
liền với phát triển kinh tế - xã hội, song không thu hút FDI bằng mọi
giá. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Đảng và Nhà nước coi là
một trong động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế
và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định
tại Đại hội XIII (2021) của Đảng: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ
phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu
tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu”3.
Một
trong những lợi ích lớn nhất từ việc thu hút tư bản nước ngoài là chuyển giao
công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Các doanh nghiệp FDI thường mang theo công nghệ
hiện đại, phương thức quản lý tiên tiến và quy trình sản xuất hiệu quả. Điều
này đã giúp các ngành công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện
chất lượng sản phẩm và tăng trưởng năng suất lao động. Đồng thời, các dự án đầu
tư nước ngoài cũng tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động Việt Nam, đặc
biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, dệt may, điện tử, xây dựng... không
chỉ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp mà còn giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời
sống cho người dân. Các doanh nghiệp này cũng đóng góp lớn vào ngân sách quốc
gia qua thuế, phí và các khoản đóng góp khác. Đây là nguồn thu quan trọng giúp
Việt Nam thực hiện các chương trình phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và các
chính sách an sinh xã hội.
Tuy
nhiên, trong quá trình này, Việt Nam cũng phải giải quyết một số mâu thuẫn biện
chứng, nhất là mâu thuẫn giữa việc duy trì độc lập kinh tế và tận dụng sự hỗ trợ
từ các nguồn tư bản nước ngoài. Bởi việc phụ thuộc vào nguồn vốn và công nghệ
nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng độc lập kinh tế bị hạn chế và bị chi phối
bởi các nhà đầu tư lớn từ các nước phát triển trong các lĩnh vực như công nghiệp
chế biến, chế tạo công nghệ cao. Những mặt trái trong quan hệ sản xuất tư bản
chủ nghĩa cũng đang dần tác động đến tổ chức, quản lý trong doanh nghiệp khu vực
tư nhân Việt Nam, đặc biệt là trong khâu phân phối với giá trị thặng dư thuộc về
giới chủ. Quan hệ sản xuất này tuy không trở thành quan hệ sản xuất thống trị của
nền kinh tế nước ta, song thực trạng phân phối giá trị thặng dư, kết quả lao động
trong doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp khu vực tư nhân Việt Nam đặt ra các vấn
đề, như tình trạng bóc lột, bất bình đẳng xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng chuyển
giá, trốn thuế từ doanh nghiệp FDI làm thất thu thuế, giảm thu ngân sách nhà nước
vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Còn có một số dự án tiêu tốn năng lượng,
tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... Đây cũng chính là những nội dung các thế
lực thù địch thường xuyên xoáy sâu để xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Quán
triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo luận điểm của V.I.Lênin về kết hợp các mặt đối
lập, nhằm tận dụng tư bản nước ngoài một cách hiệu quả và bền vững, Việt Nam tiếp
tục xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, cân bằng giữa việc thu hút đầu tư
nước ngoài và phát triển nội lực, góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho xã hội
xã hội chủ nghĩa, đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:
“Chuyển chính sách trọng tâm thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài từ số lượng
sang chất lượng, … Xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư để lựa chọn, ưu tiên
thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa
bàn”4. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế,
cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn
mực quốc tế; đảm bảo vận hành hiệu quả các loại thị trường; thúc đẩy thị trường
hóa các nhân tố sản xuất; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn
nhân lực; phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, Thủ tướng
Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 “Phê duyệt
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”,
nhằm định hướng thu hút “FDI xanh” tại Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, khi
thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam kỳ vọng không chỉ phát triển lực lượng sản xuất,
mà còn bảo đảm quan hệ sản xuất phù hợp trình độ của lực lượng sản xuất, tích
lũy những tiền đề cần thiết để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tận
dụng tư bản nước ngoài là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển
kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, tôn trọng sở hữu tư nhân (trong khi sở hữu các
tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về sở hữu nhà nước) là một bước tạm thời và cần
thiết để các nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam tận dụng
được sức mạnh của thời đại, tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng, tích lũy tiền đề
vật chất cho xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự kết hợp các mặt đối lập trong phát triển
kinh tế, giữa lợi ích từ đầu tư nước ngoài và sự độc lập kinh tế quốc gia, sẽ
là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
------------------------
1. V.I.Lênin: Toàn tập,
Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tập 37, tr. 66.
2. V.I.Lênin: Toàn tập,
Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tập 42, tr.260.
3. Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST,
H, 2021, T.I, tr.130.
4. Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST,
H, 2021, T.II tr.127.
Ths. Đàm Thị Hồng
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
|