Tác phẩm “Dân vận” giữ một vị trí quan trọng trong di sản tư
tưởng Hồ Chí Minh, mang giá trị đặc biệt và thể hiện nhất quán tư tưởng “Cách mạng
là sự nghiệp của quần chúng”. Đây là tâm huyết mà Bác gửi gắm đến mỗi cán bộ, đảng
viên, nhấn mạnh rằng công tác dân vận là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính
trị và là chỉ dẫn quý báu cho công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, tác phẩm cũng phản ánh một cách sinh động và trọn vẹn tư tưởng, đạo
đức, phong c8ách Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định vai trò quyết định của quần chúng
Nhân dân trong lịch sử, nhấn mạnh rằng mọi cuộc cách mạng đều do Nhân dân thực
hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và phát triển tư tưởng này, khẳng định rằng
cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, muốn cách mạng thành công phải dựa vào
Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người cho rằng Đảng chỉ
có thể lãnh đạo thành công khi gắn bó mật thiết với Nhân dân, biết vận động
Nhân dân cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cán bộ, đảng viên có
biểu hiện xa rời quần chúng, quan liêu, hình thức, chưa thực sự gắn bó với Nhân
dân. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết
bài Dân vận đăng trên báo Sự thật. Bài viết không chỉ phân tích vị
trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận mà còn đưa ra những nguyên tắc,
phương pháp thực hiện hiệu quả, nhấn mạnh rằng dân vận tốt sẽ quyết định thành
công của mọi nhiệm vụ cách mạng.
Bài viết Dân vận đề cập đến bốn nội dung chính:
1. Nước ta là nước dân chủ
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất dân chủ của chế độ ta, nhấn mạnh
rằng “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Trong xã hội mới,
Nhân dân không chỉ là đối tượng phục vụ mà còn là chủ thể quyết định vận mệnh đất
nước. Vì vậy, muốn xây dựng chính quyền vững mạnh, cần dựa vào Nhân dân, phát
huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực.
2. Dân vận là gì?
Theo Người, dân vận là quá trình vận động, tổ chức Nhân dân tham gia vào
sự nghiệp chung, không bỏ sót ai, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Dân vận không
đơn thuần là tuyên truyền mà phải gắn liền với hành động, giúp Nhân dân thấy rõ
trách nhiệm và lợi ích của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tư
tưởng này nhất quán với đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng, lấy sức mạnh
đoàn kết làm nền tảng cho mọi thắng lợi cách mạng.
3. Ai phụ trách dân vận?
Hồ Chí Minh chỉ rõ dân vận không phải là nhiệm vụ của riêng một tổ chức
hay cá nhân nào mà là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Tất cả cán bộ,
từ chính quyền đến các tổ chức đoàn thể, đều phải làm dân vận. Cán bộ phải sâu
sát với Nhân dân, gương mẫu trong hành động, giúp Nhân dân phát triển kinh tế,
nâng cao đời sống. Đặc biệt, cán bộ làm công tác dân vận phải khắc phục bệnh
quan liêu, xa rời quần chúng, thực sự đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết.
4. Dân vận phải thế nào?
Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng dân vận không thể làm qua loa, hình thức, mà
phải thật sự hiệu quả. Người đặt ra yêu cầu đối với cán bộ làm công tác dân vận:
“óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”2 –
nghĩa là phải luôn quan sát, lắng nghe, hành động thực tế, không chỉ nói suông
hay ra lệnh từ xa. Người nhấn mạnh dân vận phải gắn với thực tiễn, giải quyết
những khó khăn, bức xúc của Nhân dân, giúp dân hiểu và tin tưởng vào Đảng, Nhà
nước.
Gần 80 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí
Minh vẫn còn nguyên giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước; có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân
dân, bảo đảm và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, phát huy tối đa sức mạnh
khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
“Dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo
thì việc gì cũng thành công”3. Lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận
chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý. Theo Người, dân là gốc,
là nguồn sức mạnh vô tận. Muốn thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất
nước, trách nhiệm của Đảng là phải biết khám phá, huy động và vận dụng nguồn sức
mạnh vô tận đó. Ngược lại, nếu công tác dân vận yếu kém, sẽ tạo kẽ hở và làm
suy giảm khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó khiến mọi công việc dù nhỏ nhất cũng
trở nên bế tắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, dân vận không phân biệt thành phần giai cấp,
dân tộc, tôn giáo hay địa vị xã hội. Điều đó phản ánh quan điểm đoàn kết rộng mở
trong tư tưởng của Người. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần khéo léo,
linh hoạt trong việc quy tụ, vận động và tập hợp quần chúng, biến sức mạnh của
Nhân dân thành chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước.
Kế thừa tư tưởng đó, các kỳ đại hội Đảng luôn khẳng định vai trò đặc biệt
quan trọng của Nhân dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, với quan
điểm mở rộng dân chủ, Đảng ta đã bổ sung 02 khâu trong phương châm: “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”4. Từ đó thấy được sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với quần chúng nhân dân luôn được đề cao, vì Nhà
nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhân dân phải là đối tượng
được chú trọng, quan tâm hàng đầu, có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của
quần chúng nhân dân trong mọi thời đại. Như vậy, quan điểm “Nhà nước của dân,
do dân, vì dân” không chỉ là khẩu hiệu mà còn trở thành kim chỉ nam cho định hướng
chính sách quốc gia.
Thực tiễn chứng minh rằng, khi Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, mọi
khó khăn đều có thể vượt qua. Đại dịch Covid-19 là minh chứng sáng rõ nhất cho
sự đoàn kết và sức mạnh dân vận. Từ Lời kêu gọi của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đến việc huy động Quỹ vắc-xin, tất cả đã góp phần biến nguy thành cơ, tận
dụng tinh thần đoàn kết toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng.
Trong giai đoạn hiện nay với khát vọng xây dựng đất nước “phồn vinh, hạnh
phúc” khi mà chưa bao giờ đất nước ta lại có được “cơ đồ, vị thế, uy tín trên
trường quốc tế như hiện nay”, việc hiện thực hóa khát vọng đó cần có sự đoàn kết
chung tay của lực lượng toàn dân, thì việc vận dụng những tư tưởng Hồ Chí Minh
trong tác phẩm Dân vận vào hoạt động thực tiễn cần được thực hiện một
cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với bối cảnh mới.
Trước hết, cần phải xây dựng Nhà nước thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Tiến hành
cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm bớt thủ tục rườm rà, nâng cao hiệu quả phục vụ
Nhân dân; ứng dụng công nghệ số vào quản trị quốc gia, minh bạch hóa thông tin,
tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào giám sát và phản biện xã hội; nâng cao
trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tiếp xúc, lắng nghe và giải
quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Thứ hai, phải xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo điều
kiện để mọi thành phần xã hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, có
cơ hội đóng góp cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân
tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội để không
ai bị bỏ lại phía sau; thúc đẩy tinh thần yêu nước, khơi dậy ý chí tự lực, tự
cường trong cộng đồng.
Thứ ba, đổi mới công tác dân vận trong thời đại số. Sử dụng mạng xã hội và các nền
tảng truyền thông hiện đại để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước một cách sinh động, gần gũi. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên
không gian mạng, đấu tranh với các thông tin sai lệch, xuyên tạc, góp phần xây
dựng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo,
dữ liệu lớn để phân tích, dự báo và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của
Nhân dân.
Thứ tư, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội. Vận động
Nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào như xây dựng nông thôn mới, đô thị
văn minh, khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học công nghệ,
kinh tế số, kinh tế xanh để thích ứng với xu hướng phát triển mới; xây dựng đội
ngũ doanh nhân yêu nước, có trách nhiệm xã hội, đóng góp vào sự nghiệp phát triển
đất nước.
Thứ năm, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn bó mật thiết với Nhân dân. Kiên
quyết chống tham nhũng, quan liêu, xa dân – những nguy cơ có thể làm suy yếu Đảng
cầm quyền; cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong công tác, đời sống, thực sự
là công bộc của dân, lắng nghe dân, làm theo dân; cán bộ, đảng viên phải thực sự
gương mẫu trong cuộc sống, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”5;
phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”,
luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá
nhân; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều
hành của Nhà nước, đảm bảo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận không chỉ có giá trị lý luận mà còn mang
tính thực tiễn cao. Việc vận dụng những nguyên tắc trong tác phẩm Dân vận
vào công tác dân vận trong thời kỳ mới đòi hỏi một sự thích nghi với điều kiện
mới, nhưng vẫn giữ vững tinh thần cốt lõi: Lấy dân làm gốc, huy động sức mạnh
toàn dân là điều kiện tiên quyết để phát huy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng
một đất nước phát triển bền vững, dân chủ, văn minh và hiện đại./.
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb
CTQG, H. 2011, tr. 232
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.549
Ths. GVC Đinh Khắc Trung
Khoa Xây dựng Đảng
|