Hiện nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá
nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận để đi tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng,
tiến tới làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận sự đóng góp của
cải cách hành chính nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước...
Chính từ sự nỗ lực, quyết tâm và chung tay thực hiện, sau gần 25
năm thực hiện các Chương trình tổng thể cải cách hành chính, từ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg,
ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2001 – 2010); Nghị quyết số 30c/NQ-CP,
ngày 08/11/2011 của Chính phủ (giai đoạn 2011 – 2020) đến Nghị quyết số 76/NQ-CP,
ngày 15/7/2021 của Chính phủ (giai đoạn 2021 – 2030), công cuộc cải cách
hành chính của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng: chất lượng giải
quyết thủ tục hành chính nâng lên rõ rệt qua công tác kiểm tra, kiểm soát, công
khai, minh bạch, tăng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp, tạo ra bước
chuyển căn bản từ nền hành chính kiểm soát sang nền hành chính phục vụ; đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên về nhiều mặt: đạo đức, thái độ, năng
lực, chuyên nghiệp… cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ ngày càng đáp ứng được
yêu cầu quản lý hành chính nhà nước; quản lý tài chính, ngân sách đảm bảo hiệu
quả, minh bạch trong chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy sự
sáng tạo, năng động và cạnh tranh trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước…
Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
ráo riết thực hiện âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" bằng việc
phủ nhận những thành quả của công cuộc cải cách hành chính, lợi dụng những
hạn chế yếu kém trong cải cách hành chính nhà nước để thực hiện âm mưu phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng triệt để sử dụng không gian mạng để chống phá trực
diện vào nền tảng tư tưởng, tinh thần của xã hội, đồng thời, chúng lập những
tài khoản, website giả mạo, lập các hội nhóm… nhằm xuyên tạc phủ định các quan
điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi
mới đất nước; phủ định giá trị lịch sử và những thành quả, nỗ lực cải cách hành
chính nhà nước như: thực chất là sáp nhập “chính quyền vào Đảng”, dẫn đến
việc thao túng quyền lực Nhà nước về phía Đảng, là “độc tài cá nhân”, “độc
tôn tham nhũng”. Hay sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị các cấp lần này
theo kiểu “giật gấu vá vai”, phục vụ cho lợi ích nhóm, tạo kẽ hở để người
có chức, có quyền trục lợi…; hoặc sắp xếp, cải tổ bộ máy hành chính là để tạo
điều kiện “dễ bề tham ô tham nhũng”;…
Phản bác những luận điệu sai trái về công cuộc cải
cách hành chính là nhiệm vụ và trách nhiệm của giảng viên giảng dạy nội dung cải
cách hành chính nói riêng và giảng dạy lý luận chính trị nói chung ở các Trường
Chính trị. Hiện nay, để thực hiện được nhiệm vụ này, khi giảng dạy về cải cách
hành chính trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị đạt mục tiêu trang bị những kiến thức cơ bản về cải cách hành chính,
trọng tâm là cải cách hành chính ở cơ sở, giảng viên cần:
Một là, nhận diện rõ những các quan điểm sai trái nhằm chống phá công cuộc cải
cách hành chính từ các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, thoái
hóa, biến chất.
Nhận diện rõ những luận điệu xuyên tạc các quan điểm
cải cách hành chính đúng đắn đã được Đảng và Nhà nước ta xác định trong tiến
trình cải cách hành chính được thể hiện trong Nghị quyết 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của
Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021
- 2030 và các văn bản khác. Đây là tiền đề điều quan trọng để khi soạn
giảng, giảng viên gắn kết nhiệm vụ, trách nhiệm giữa yêu cầu, mục tiêu của bài
giảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái vè cải cách hành chính.
Trong quá trình giảng dạy phải lồng ghép được các nội
dung phản bác nêu trên thông qua việc làm rõ thông qua các nội dung của bài học,
bao gồm: đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả hay việc sắp xếp lại, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công
chức, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý… là hoạt động bình thường
và cũng là xu thế chung ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, không phải vấn
đề mới, “giật gấu vá vai”, mà được đề ra và thực hiện trong suốt tiến
trình lãnh đạo của Đảng, không tách rời khỏi hệ lý luận về vai trò, phương thức
lãnh đạo của Đảng ta.
Hai là, với phương châm: “lấy người học
làm trung tâm”, giảng viên cần đa dạng hoá phương pháp truyền tải kiến thức, kết
hợp nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy tích cực để gắn được nội dung giảng
dạy với việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của đông đảo
học viên trở lên. Muốn vậy, giảng viên phải tích cực rèn
luyện kỹ năng, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo cảm hứng cho học viên trong
học tập lý luận chính trị nói chung và nội dung cải cách hành chính nói riêng.
Vì những kiến thực lý luận chính trị có tính liên thông, hệ thống nên nếu chỉ
riêng về cải cách hành chính thì phó pháy huy được hiệu quả đấu tranh, phản bác
để bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiện nay, giảng viên các Trường Chính trị đã
sử dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực “lấy
người học làm trung tâm”. Tuy nhiên không phải giảng viên nào cũng sử dụng
thành thạo, áp dụng thành công và đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, khi sử dụng kết
hợp các phương pháp giảng dạy tích cực, giảng viên cần biết cách để khai thác và
phát huy thế mạnh của nó, đó là trực quan sinh động, có thể minh họa bằng nhiều
hình thức như phim ngắn về kết quả cải cách hành chính, hình ảnh, bảng biểu, biểu
đồ về từng nội dung của cải cách hành chính… điều này tác động trực quan đến
tâm lý, tình cảm của học viên về đường lối, quan điểm và thành quả của công cuộc
cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kích thích sự tư duy, hấp dẫn
người học mà không gây ra sự nhàm chán, trừu tượng, phản cảm.
Giảng viên xây dựng tình huống và tổ chức thảo luận để
học viên để trao đổi, bày tỏ rõ quan điểm của cá nhân trước những luận điệu sai
trái về kết quả của cải cách hành chính, giúp cho học viên tăng thêm kiến thức
và vận dụng tốt kiến thức lý luận vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt
ra, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng.
Ba là, giảng viên tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu
khoa học, nghiên cứu thực tế để tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng.
Quá trình này, giảng viên không tách rời với việc rèn luyện kỹ năng viết bài, kịp
thời phản ánh thông tin, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về cải cách
hành chính nói chung và kết quả cải cách hành chính nói riêng.
Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế là
một trong những nhiệm vụ của giảng viên, đồng thời thông qua đó, giảng viên có
thể tìm thấy nhiều cái mới, có sự sáng tạo về cách tiếp cận và giải quyết các vấn
đề lý luận trong thực tiễn, qua đó bổ trợ rất nhiều cho công tác giảng dạy,
giúp các bài giảng tăng tính khoa học, tính thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu lý
luận gắn liền với thực tiễn.
Từ việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực
tế, giảng viên có thể rèn luyện cho mình các kỹ năng thu thập và phân tích
thông tin về kết quả cải cách hành chính của cả nước hoặc địa
phương vừa làm tư liệu cho việc soạn giảng vừa giới thiệu để học viên tự
nghiên cứu, củng cố thêm những nội dung về lý luận. Đồng thời cũng là những lý
luận sắc bén để phản bác lại những quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
Ngoài việc sử dụng kết quả của công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn
trong soạn giảng, thì đây cũng là những tư liệu để giảng viên viết các bài khoa
học, nhất là viết chính luận để tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai
trái, gửi đăng trang nội bộ Trường Chính trị như: Thông tin lý luận thực
tiễn, Trang Website, Hội thảo khoa học cấp Trường,…
Giảng dạy lý luận
chính trị rất khó, nhất là việc giảng viên các Trường Chính trị thực hiện việc giảng
dạy trong bối cảnh tích hợp nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
phản bác quan điểm sai trái. Bởi vậy mỗi giảng viên cần chủ động, tích cực… làm
tăng thêm sự vững vàng, tự tin để thực
hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, tạo cơ sở hiện
thực hóa mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta
lựa chọn.
ThS.
Trịnh Thị Hoà
Giảng viên
chính khoa Nhà nước và pháp luật
|