Thực hiện Nghị quyết
số 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 về việc nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh
cơ sở của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình, trong
những năm qua, nhận thức của các cấp ủy Đảng,
chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều giá trị, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội, thực sự trở
thành cuộc vận động rộng lớn, có sức lan toả mạnh mẽ, tạo
sự đồng thuận và thu hút đông đảo Nhân
dân tham gia tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống cộng đồng; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các giá trị
văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hệ thống
thiết chế văn hoá được tăng cường; quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng, sáng tạo và hưởng
thụ văn hóa, tinh thần được tôn trọng… góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị
quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Cụ thể:
- Thường
xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động xây dựng, thực
hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở
Các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ
tỉnh tới cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền, vận động đến mọi
tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết; các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đã mở nhiều chuyên trang, chuyên
mục tuyên truyền và phản ánh các gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá
nhân tích cực. Đội thông tin lưu động, Đài truyền thanh các huyện, thành phố,
các xã, phường, thị trấn tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền cổ động; biên soạn, in ấn phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên
truyền; thúc đẩy tuyên truyền qua mạng xã hội, các ứng dụng thông minh, bản
tin, trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương… Nội dung tuyên truyền chú trọng nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của
Nghị quyết; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước, quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn tỉnh; các tiêu chí, tiêu chuẩn trong xây dựng,
công nhận các danh hiệu văn hóa; các quy định thực
hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các quy
định trong hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư...
Qua đó, củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện, mang đặc
trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách và xây
dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, tiến bộ.
- Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh
Phong trào xây dựng “Gia đình
văn hóa” đã đi vào chiều sâu và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày tại cộng
đồng dân cư, tác động tích cực đến thành viên gia đình làm thay đổi hành vi, đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được bảo tồn, phát huy; đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ được gìn giữ và trao truyền. Năm 2018, tỉ lệ gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh
đạt tỉ lệ 88,21%, đến năm 2023, đạt 92,31% (tăng 4,1%)1.
Phong trào xây dựng thôn, xóm, bản,
làng, phố, tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã khơi dậy và phát huy
tính chủ động, sáng tạo và khả năng của cộng đồng dân
cư trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc, các phong
tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống
văn hoá lành mạnh đối với từng người, từng cộng đồng dân cư, thúc đẩy đời sống kinh tế ngày càng ổn định và phát triển. Năm 2018, tỉ lệ thôn,
xóm, phố văn hoá trên toàn tỉnh đạt 89,87%, đến năm 2023, đạt 97,56% (tăng 7,69%)2.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh góp phần xây dựng nếp sống
văn minh, tác phong, lề lối làm việc nơi công sở; xây dựng môi trường công sở,
doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Việc đăng ký,
bình xét, công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa bảo đảm
đúng quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng ngày càng nâng lên. Tỷ lệ cơ quan, đơn
vị, doanh nghiệp văn hóa năm 2018 đạt 69,75% đến năm 2023 đạt 83,03% (tăng
13,28%)3.
Việc xây dựng, thực hiện hương
ước, quy ước được triển khai thường xuyên.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.679 khu dân cư có hương ước, quy
ước được cơ quan có thẩm quyền công nhận (đạt 100%)4 và tổ chức thực hiện hiệu quả gắn với đời sống của từng
cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn và phát
huy thuần phong, mỹ tục; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp,
ăn, ở, đi lại, xóa bỏ hủ tục; phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh; xây
dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp
đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia
đình văn hóa, xây dựng làng, thôn, phố, khu dân cư văn hóa.
- Chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội
Về việc cưới, việc tang: đa số các đám cưới được tổ chức theo hướng tiết kiệm, văn minh và phù hợp với truyền thống của
dân tộc, đảm bảo thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Mô
hình cưới “6 không” đã được xây dựng, triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Việc tổ chức lễ tang ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước của cộng đồng và quy định của pháp luật, tỉ lệ các đám tang thực hiện
điện táng, hỏa táng ngày càng tăng. Trung bình mỗi
năm, toàn tỉnh có trên có 95% đám cưới, 98% đám tang tổ chức đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh5. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có: 5.647/5.652 (đạt 99,91%) đám cưới, 5.433/5.445
(đạt 99,78%) đám tang thực hiện nếp sống văn minh (trong đó có 41.32% đám tang thực hiện hỏa táng, điện táng tăng 17,53% so với năm 2018)6.
Về lễ hội, toàn tỉnh có 243 lễ hội, trong đó, 242 lễ hội truyền thống và 01 lễ hội văn hóa7, công tác quản lí lễ hội được quan tâm, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có
nhiều chuyển biến tích cực. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan, các đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức hoạt động
phần lễ trang nghiêm, chu đáo; phần hội hấp dẫn phù hợp với
nhu cầu của người dân và văn hoá truyền thống của địa phương.
- Không ngừng phát huy
các giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp của gia đình, xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ
sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về gia đình, giáo dục đạo đức lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, lồng ghép với việc thực hiện
các cuộc vận động và phong
trào của địa phương. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong
gia đình, dòng họ thông qua các hoạt
động cụ thể về xây dựng gia
đình văn hóa; hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, tổ chức các hội thi gia đình hạnh
phúc,... Qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó, ý thức trách
nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, gìn giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc, động viên
cộng đồng chung tay
trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục xây dựng, hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia
đình và cộng đồng
Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền,
vận động hình thành nếp sống, thói quen
tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong
gia đình và cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây
dựng cảnh quan môi trường, chống rác thải nhựa; tổ chức phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, rác thải
đúng quy định,
định kỳ tổng vệ sinh môi trường; không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên,
các hội nghị, hội thảo (như túi đựng tài liệu bằng nilon, chai nước
nhựa...). Mỗi
phố, xóm, mỗi tuyến đường đều có tổ tự quản vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả. Nhiều địa phương đã
thành lập tổ dịch vụ vệ sinh công cộng, thu gom rác thải, xây dựng quỹ vệ sinh
môi trường. Duy
trì, nhân rộng các phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường: phong trào “Ngày
thứ bảy sạch”, “Nhà sạch, đường đẹp”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu”, “Chống rác thải nhựa”, “Phân loại, xử lý rác thải
bằng men vi sinh bản địa tại gia đình và địa bàn khu dân cư”, mô hình “Vận động
nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường”; mô hình “Nhà sạch, vườn
đẹp”,... tạo nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các địa bàn dân cư.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo
đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội
Phong trào “Toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc” đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện,
tuyên truyền, vận động Nhân dân sống và làm việc theo
pháp luật, tích cực phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh,
trật tự an toàn xã hội; triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình “An toàn
trường học”, “Câu lạc bộ phổ biến kiến thức pháp luật trong học sinh, sinh
viên”…; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an
ninh, an toàn các cơ sở khám, chữa bệnh; an ninh, an toàn trong các khu, cụm
công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Đến nay, duy trì, củng
cố hoạt động của 35 mô hình, 62 điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng
phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” như: mô hình “Cụm an toàn về an ninh trật tự các khu
công nghiệp với các xã giáp ranh”; mô hình “Tự quản trong sản xuất kinh doanh”;
“Tổ công nhân tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ công nhân vì môi trường xanh, tự
quản về an ninh trật tự”8...
- Thường xuyên
xây dựng, củng cố tổ chức bộ
máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể
thao ở cơ sở
Với sự vào cuộc của tất cả các
cấp, các ngành và sự đồng lòng hưởng ứng của Nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh đã có sự phát
triển vượt trội. Từ năm 2018 đến năm 2023 có 246
Nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ dân phố, 23 Nhà văn hoá xã, phường, thị trấn,
4/8 Nhà văn hoá cấp huyện và 01 nhà văn hoá tỉnh được đầu tư xây dựng mới. Đến cuối năm 2023, đã có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn
hóa (đạt 99,30%); có 1.616/1.679 thôn, xóm,
bản, làng, tổ dân phố, phố có Nhà văn hóa, sân thể thao, khu thể thao (đạt
96,25%)9. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đều có đầy
đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy, cán bộ, quy chế tổ chức hoạt động
phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các nhiệm vụ của địa phương đóng góp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và thực hiện
nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế: việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04 ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, thiếu
quyết liệt, công tác tuyên truyền có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, mê tín dị đoan, bạo lực
gia đình vẫn còn tồn tại, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị,
giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
và lễ hội ở một bộ phận người dân chưa cao; chất lượng đời sống văn hóa chưa đồng đều, mức hưởng thụ văn hoá còn chênh
lệch giữa các vùng miền, khu vực; một số thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trang thiết bị chưa đồng bộ, kinh phí hoạt động còn hạn chế, hiệu
quả hoạt động chưa cao.
Hình thức sinh hoạt văn hóa phục vụ người dân ở
một số nơi còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn…
Trong
thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở, cần tập trung một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính
quyền đối với công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền phong phú, gắn liền với thực tiễn cuộc sống để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt quan tâm đến
những hình thức tuyên truyền mới có phạm vi ảnh hưởng rộng để nội dung tuyên truyền đến người dân được gần hơn, nhanh hơn.
Ba là, tập trung trọng điểm nâng cao
chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa”, gắn phong
trào với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác; phong trào toàn
dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhân rộng và triển khai có hiệu quả các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, an toàn trật tự ở cơ sở. Hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho
nhân dân.
Bốn là, tiếp tục quán triệt triển khai có hiệu quả công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình
hướng đến xây dựng văn hóa, giao tiếp, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư.
Năm là, tiếp tục xây dựng,
hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp thông qua việc tuyên truyền, vận động người
dân cùng ý thức tham
gia bảo vệ môi trường và tiếp tục duy trì, vận hành có hiệu quả các mô hình đã thực hiện có hiệu quả trong những năm qua.
Sáu là, tăng cường công tác quản lí nhà nước về văn hóa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí những hành vi vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn
xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng đời sống văn hóa, văn minh cơ sở. Tập trung đẩy mạnh phát huy công năng hệ thống thiết chế văn
hóa cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể
dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh phục vụ nhân dân; bảo tồn và phát
huy giá trị các di sản văn hóa, quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền
thống của địa phương.
Xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở là nền tảng để hướng
tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời gian
qua, với sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ
thống chính trị trong tỉnh đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi
người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, nếp sống văn hóa được
hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong
trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng văn hóa
nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.
Chú thích
1,2,3,4,5,6,7,8,9 Báo cáo số
176-BC/UBND ngày 04/9/2024 về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày
15/01/2016, Kết luận số 10-KL/BCSĐ ngày 12/01/2018, Nghị quyết số 04-NQ/BCSĐ
ngày 08/01/2019 của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phạm Thị Hương
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
|