Trung Quốc sẽ rất "khó nhằn" đối thủ này trên Biển Đông. Không chỉ vì Việt Nam chưa từng bị khuất phục trước cường quyền, mà còn bởi bài học nhãn tiền Tờ Epoch Times ngày 10/5 bình luận, theo dõi diễn biến liên quan tới vụ việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 và một "hạm đội" tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hòng tìm cách cắm chân (trái phép, vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của cơ quan chức năng Việt Nam), giới chức Bắc Kinh đã hành xử tiền hậu bất nhất. | Ông Trình Quốc Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những phát biểu gây tranh cãi về vụ giàn khoan HD 981. | Theo đó, ngày 8/5 ông Trình Quốc Bình, một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo chí từ Thượng Hải rằng không có bất kỳ xung đột nào giữa Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông, nhưng chỉ vài tiếng sau đó, thuộc cấp của ông, Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo đã phải triệu tập "họp báo khẩn cấp" để bày tỏ cái gọi là "sốc" của Bắc Kinh về sự kiện Trung - Việt đối đầu trên Biển Đông. Reuters dẫn lời ông Bình cho biết: "Tôi không tin rằng có một cuộc đụng độ. Tôi nghĩ rằng đây là một sự khác biệt ý kiến về một số tranh chấp", ông Bình nói với các phóng viên, nhưng không quên luận điệu sai trái quen thuộc, "khu vực có tranh chấp lãnh thổ và tất nhiên Trung Quốc sẽ duy trì lợi ích cốt lõi, bảo vệ chủ quyền của mình và Việt Nam nên biết điều này". Chỉ vài giờ sau, Dịch Tiên Lương - Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo cùng với Lý Dũng, Giám đốc Công ty dịch vụ dầu khí Trung Quốc COSL, công ty con của CNOOC và là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành giàn khoan HD 981 tổ chức họp báo khẩn cấp để đính chính cái sự lỡ lời của ông Thứ trưởng. Tại đây Dịch Tiên Lương lớn tiếng buộc tội Việt Nam "khiêu khích" trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lại còn nhiều lần liều lĩnh bắn vòi rồng công suất lớn, đâm thẳng vào tàu công vụ Việt Nam. Dịch Tiên Lương gọi những hành động hung hăng, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc là "sự kiềm chế tối đa" của Bắc Kinh. Theo tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 10/5, sau khi Trình Quốc Bình lỡ lời phát ngôn về vụ HD 981, đã không thể tìm thấy thông tin ông Bình nói về việc này và căng thẳng Trung - Việt trên các báo, trang mạng ở Trung Quốc nữa. Nhưng hiện tại các trang tiếng Trung Quốc của Reuters, đài Tiếng nói nước Nga hay đài Phượng Hoàng Hồng Kông vẫn còn lưu. | Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vội vã chữa cháy một cách vụng về phát ngôn của ông Thứ trưởng, nhưng càng lộ rõ âm mưu và thủ đoạn hòng bành trướng, hiện thực hóa đường lưỡi bò trên Biển Đông. | Bình luận sự cố này, Minh Báo cho rằng ông Bình là Thứ trưởng chuyên trách các sự vụ Tây Á và Trung Đông, chống khủng bố và kinh tế, rất ít khi phát biểu về Đông Á. Bình luận của ông đưa ra về Biển Đông nhiều khả năng là do ông bị phóng viên hỏi dồn dập nên mới lỡ lời. Chính ông Bình cũng thừa nhận ông không có thông tin cụ thể về vụ việc, nhưng ông tin là "không có xung đột trên Biển Đông". Một điều lạ nữa trong phản ứng của Trung Quốc với sự kiện giàn khoan HD 981 đó là sự im lặng bất thường của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc xung quanh vụ việc này. Ngoại trừ 2 bản tin trên Tân Hoa Xã dẫn lời Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục luận điệu sai trái "Tây Sa là của Trung Quốc" thì hầu như các báo lớn, chính thống của Trung Quốc đều né tránh "sự kiện gây sốc" với viên Vụ phó Dịch Tiên Lương. Trong khi mỗi lần xảy ra sự cố hay đụng độ trên Biển Đông trước đây hoặc điển hình gần nhất là vụ Philippines bắt 1 tàu cá và 11 ngư dân Trung Quốc tuần qua lập tức được hệ thống báo chí nhà nước Trung Quốc "vào cuộc, đánh hội đồng" đối phương. Trong vụ giàn khoan HD 981 truyền thông Trung Quốc hầu như im lặng ngoại trừ một số trang mạng không tên không tuổi. Buổi họp báo "khẩn cấp" do Dịch Tiên Lương chủ trì cũng không được Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật Báo, Quân giải phóng hay những tờ báo lớn của Trung Quốc đăng tải như mọi khi. Thậm chí Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo hiếu chiến và lá cải thường xuyên có những bài báo khiêu khích, bóp méo sự thật về Biển Đông với tần suất dày đặc mỗi khi xảy ra sự kiện thì lần này cũng ít hẳn bài về vụ giàn khoan HD 981 so với việc Philippines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa. | Các quan chức Bắc Kinh vẫn công khai gọi HD 981 là "lãnh thổ quốc gia di động" của họ, âm mưu thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông quá rõ, nhưng sẽ không dễ dàng để họ đạt được âm mưu. | Sự lỡ lời của ông Thứ trưởng, cuộc họp báo bất thường của Dịch Tiên Lương và cả sự im lặng đáng ngờ của truyền thông Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD 981 đang nhăm nhe hạ đặt xuống vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đang nói lên điều gì? Nhiều học giả đã lên án động thái khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD 981 và phân tích âm mưu nguy hiểm đằng sau nó như Tiến sĩ Trần Công Trục đã chỉ rõ, Bắc Kinh chỉ muốn biến vùng biển không tranh chấp nằm hoàn toàn trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp, hòng nhảy vào hôi của. Sự lỡ lời của ông Thứ trưởng và chiêu chữa cháy vội vàng và lộ liễu của viên thuộc cấp Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo Trung Quốc càng làm bộc lộ rõ bản chất này. Cho tới sự đứng ngoài cuộc bất thường thay vì "vào cuộc đánh hội đồng" của giới truyền thông Trung Quốc cũng là một thủ đoạn xảo quyệt để thực hiện điều ấy. 3 động thái này của giới chức Bắc Kinh nhằm cố tính đánh lừa dư luận trong nước họ cũng như khu vực và quốc tế, rằng họ không nói tức là đã xuống thang, đã "nhân nhượng" và bắt đầu khơi mào "đàm phán". Nếu đàm phán khi Bắc Kinh chưa rút giàn khoan và "hạm đội" tàu hộ tống thì hiển nhiên họ đã giành được món hời chỉ bằng thủ đoạn đi giật bát cơm của người khác rồi đòi chia. Nhưng với quyết tâm của các cơ quan chức năng Việt Nam theo các học giả quốc tế đánh giá, Trung Quốc sẽ rất "khó nhằn" đối thủ này trên Biển Đông. Không chỉ vì Việt Nam chưa từng bị khuất phục trước cường quyền, mà còn bởi bài học nhãn tiền về sự xảo quyệt của đối phương trong cuộc khủng hoảng Scarborough 2 năm trước vẫn còn đang nóng hổi. Theo Giáo dục Việt Nam
|