Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại biểu nguyên thủ hoàng gia một số nước, đại sứ đại diện các nước tại Việt Nam; đại diện Liên hợp quốc và các tổ chức Quốc tế; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam; các vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới; đại diện Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc, đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các đại biểu đại diện tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh.
Lễ khai mạc được mở đầu với chương trình nghệ thuật chào mừng đa sắc màu phật giáo. Sau Lễ Tam bảo là phát biểu của Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014 và Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế, thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội phật giáo Việt Nam.
Quang cảnh Hội trường nơi diễn ra khai mạc Vesak 2014.
Ảnh: TM Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu tại lễ khai mạc. Trong đó nhấn mạnh: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Sau Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 được tổ chức thành công tại Hà Nội, Việt Nam, Đại lễ Vesak 2014 lần này tiếp tục được tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam lại một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày Tam hợp Đức Phật là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định việc Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo mang lại cho đời sống xã hội.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích các bên cùng có lợi trên nền tảng hoà bình và sự phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với vai trò là nước chủ nhà trong tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014, mong muốn trong những ngày dự Đại lễ Phật đản, các đại biểu sẽ hiểu thêm về đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhận thấy ở con người Việt Nam tình cảm chân thành, nhân hậu và sự mến khách thắm tình hữu nghị, hợp tác.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ. Ảnh: Thế Minh
Cũng trong chương trình khai mạc đã diễn ra các nội dung quan trọng khác như: nghe cácThông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Thư ký Ủy ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc, Tổng giám đốc Unesco…; nghe thuyết trình về nội dung Phật giáo góp phần thành tựu mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; tiến hành nghi thức lễ tắm phật và nghe bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng Srilanka.
Theo Báo Ninh Bình