Tin tức > Tin tức tổng hợp   
           Tin tức
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1368433
Đang online: 10

          Tin tức tổng hợp
3 bước đuổi giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam
11/05/2014 12:49:47 CH

"Trung Quốc giống như một lực sĩ phơi trần cơ bắp trên chính trường quốc tế, nghênh ngang, đe dọa. Họ sẽ không dừng lại chừng nào chưa nhận thấy rủi ro".

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo) cho rằng Việt Nam cần sớm có “tư duy chiến lược” và “bước đi chiến lược” để thay đổi tình thế theo hướng có lợi.

- Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nguy hiểm như thế nào?

- Trung Quốc đưa HD 981 vào khoan thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là bước leo thang xung đột nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo tôi, đây là động thái nguy hiểm nhất kể từ sau năm 1988.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào chuỗi liên tục hành động ngang ngược của Trung Quốc, đặc biệt kể từ năm 2009, thì có thể thấy rằng đây là kết quả không bất ngờ. Ngược lại, Trung Quốc thực hiện những bước đi đã có chuẩn bị bài bản, tính toán kỹ.

Những hành động ngày càng quyết liệt và trắng trợn này bộc lộ rõ tham vọng bá chủ, hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò trên Biển Đông, cũng như chủ trương bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Giàn khoan HD 981 hiện đã hạ đặt tại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Giàn khoan HD 981 hiện đã hạ đặt tại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.

- Theo ông, tại sao Trung Quốc chọn thời điểm này để đặt giàn khoan?

- Với bối cảnh địa chính trị hiện nay, chưa bao giờ Trung Quốc có được thời điểm thuận lợi như vậy để thực hiện hành vi xâm phạm của mình. Biển Đông, với vị trí địa chiến lược của mình, đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của các nước lớn như Nga, Mỹ trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là trung tâm kinh tế phát triển năng động nhất thế giới.

Năm 2010, Mỹ đã từng tuyên bố nước này có “lợi ích quốc gia” đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sau khi chính quyền Obama tuyên bố sẽ chuyển trục ngoại giao sang khu vực này. Trong khi đó, Nga rất quan tâm đến việc quay trở lại Biển Đông nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng và vai trò nước lớn của mình thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí, tàu ngầm và các hợp đồng khai thác dầu khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai tháng trở lại đây, khủng hoảng chính trị và xung đột Ukraina đã trở thành mối bận tâm chủ yếu của cả Nga, Mỹ và EU.

Vấn đề khủng hoảng tại Ukraina không chỉ liên quan đến nội bộ nước này mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ ngoại giao, chính trị giữa các nước trên khi mối quan hệ Nga – Mỹ trở nên tồi tệ nhất kể từ sau thời kì chiến tranh lạnh bởi các quan điểm khác biệt trong vấn đề Crimea và xung đột tại Ukraina.

Đây là thời điểm mà Mỹ, EU và Nga đang tập trung thể hiện tầm ảnh hưởng và bảo vệ các lợi ích của mình tại quốc gia Đông Âu này. Do đó, các vấn đề xung đột và tranh chấp tại biển Đông khó có được sự quan tâm đầy đủ như bình thường.

Gần hai tháng trước khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển quyền chủ quyền của Việt Nam, ngày 15/3, Hội đồng Bảo an LHQ, mặc dù với 13 phiếu thuận, đã thất bại trong việc thông qua một nghị quyết về vấn đề Crimea vì 1 phiếu phủ quyết của Nga và 1 phiếu trắng của Trung Quốc. Là nước duy nhất trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã ngầm ủng hộ Nga.

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam khi đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền.
Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam khi đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền.

Bên cạnh đó, những nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Brunei và đặc biệt là Campuchia sau những chuyến ngoại giao “con thoi” của Thủ tướng và Bộ trưởng Trung Quốc trong các năm gần đây cùng những lời hứa hẹn hấp dẫn về mặt kinh tế… sẽ ít nhiều dao động.

Trong khi đó, chỉ 3 ngày trước thời điểm Trung Quốc leo thang, hạ đặt giàn khoan HD 981,  Philippines đã ký Hiệp ước Hợp tác nâng cao quốc phòng với Mỹ. Có vẻ như Philippines đã có một sự đảm bảo trước Trung Quốc. Đó có thể là lý do vì sao Trung Quốc đã ngay lập tức chuyển hướng thể hiện sự ngang ngược của mình sang vùng biển của Việt Nam

Trong khi đó, về mặt ngoại giao và pháp lý, trước các hành động phi pháp và quyết liệt của Trung Quốc, Việt Nam chưa thực hiện hành động nào khác ngoài các công hàm và tuyên bố ngoại giao để phản đối. Điều đó khiến Trung Quốc tự tin là Việt Nam sẽ khó có thể hành động gì mang tính “đột phá”.

Đối với tình hình nội địa của Trung Quốc, các vấn đề bạo lực tại Tân Cương đang là điểm nóng của nước này và giới cầm quyền Bắc Kinh có lẽ đang muốn hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc ra bên ngoài.

 - Qua thông tin được công bố, ông đánh giá thế nào về tình hình thực địa quanh khu vực giàn khoan HD 981?

- Trung Quốc với lợi thế về số lượng, với gần 80 tàu bảo vệ giàn khoan HD 981, đã và đang sử dụng các biện pháp vũ lực mang tính khiêu khích như đâm, va, dùng vòi rồng phun tấn công tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam khi thực hiện chức trách tại khu vực này.

Việt Nam đang kiềm chế, và quan điểm của Việt Nam là tránh đụng độ tới mức có thể. Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tuyên bố "Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn", nếu tàu Trung Quốc tiếp tục đâm húc, Việt Nam sẽ có hành động tự vệ đáp lại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ tự vệ bằng biện pháp gì, tự vệ như thế nào và ở mức độ nào. Điều đó càng khó hơn khi cuộc xung đột này có thể sẽ kéo dài ít nhất 3 tháng, 4/5-15/8, theo tuyên bố của Cục Hải sự Trung Quốc về thời gian hoạt động của giàn khoan HD 981.

"Tôi không tin Trung Quốc có ý định đàm phán thật sự như họ nói mà đây chỉ là một bước đi nhằm ngụy tạo mong muốn thật sự của họ, đánh lạc hướng và kéo dài thời gian xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".

Với sự đánh giá tình hình như vậy theo tôi, hành vi phi pháp của Trung Quốc kéo giàn khoan vào khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã trở thành một tình thế hết sức nguy hiểm và đủ yếu tố cấu thành “hoàn cảnh có khả năng dẫn tới xung đột hoặc tranh chấp quốc tế” theo Điều 34 của Hiến Chương Liên Hợp Quốc

- Ngày 8/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình đã phủ nhận xảy ra xung đột như công bố của Việt Nam đồng thời tỏ ý kêu gọi hai bên đàm phán. Ông đánh giá thế nào về khả năng lùi bước của Trung Quốc?

-  Tôi chưa thấy có lý do gì để Trung Quốc dừng lại khi mà họ có thể đạt được tham vọng bằng cách sử dụng sức mạnh. Tôi cũng không tin Trung Quốc có ý định đàm phán thật sự như họ nói mà đây chỉ là một bước đi nhằm ngụy tạo mong muốn thật sự của họ, đánh lạc hướng và kéo dài thời gian xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Chúng ta có thể sử dụng một phép thử về ý định thật sự của Trung Quốc bằng cách đưa ra thời hạn đàm phán và nêu những kết quả có thể xảy ra nếu kết thúc thời hạn đó, Trung Quốc không rút lui.

Dù Việt Nam có đưa bao nhiêu tàu ra thực địa ở khu vực giàn khoan HD 981 đi chăng nữa nhưng chừng nào Trung Quốc chưa cảm thấy rủi ro hoặc thiệt hại cho mình thì họ sẽ  không nhượng bộ trước Việt Nam.

- Căn cứ trên thực tế và soi rọi bởi luật pháp quốc tế, giải pháp nào là khả thi đối với Việt Nam trước sự xâm phạm của Trung Quốc?

-  Trung Quốc hiện nay giống như một lực sĩ trên chính trường thế giới, phơi trần cơ bắp, nghênh ngang, đe dọa, hống hách….Và như tôi đã nói, Trung Quốc sẽ không dừng lại chừng nào họ chưa nhận thấy những rủi ro trong các hành động cường quyền của mình. Vì thế, trong tình hình căng thẳng và nóng bỏng hiện nay, nếu chỉ sử dụng biện pháp ngoại giao, Việt Nam sẽ khó thành công.

Việt Nam phải sử dụng tổng hợp tất cả các biện pháp, từ chính trị, ngoại giao và đặc biệt là về mặt pháp lý, vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng.

Để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong vụ giàn khoan lần này, Việt Nam có thể xem xét thực hiện lần lượt 3 bước sau đây.

"Trong tình hình căng thẳng và nóng bỏng hiện nay, nếu chỉ sử dụng biện pháp ngoại giao, Việt Nam khó thành công".

Bước 1, Chính phủ cần ngay lập tức đưa ra đề nghị đàm phán với Trung Quốc về vấn đề giàn khoan HD 981. Hiện nay trong các công hàm ngoại giao của Việt Nam chỉ có nội dung phản đối mà chưa hề có nội dung đề nghị đàm phán về vấn đề giàn khoan. Chúng ta cần đưa nội dung đề nghị đàm phán và thời hạn đàm phán với Trung Quốc càng sớm càng tốt vì ba lý do: Chứng minh cho công luận quốc tế Việt Nam muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình; Nếu Trung Quốc từ chối đàm phán hoặc chúng ta thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan của mình trong thời hạn mà Việt Nam đã đưa ra thì chúng ta sẽ có cơ sở thực hiện các bước đi tiếp theo; Đàm phán là điều kiện bắt buộc phải thực hiện theo Điều 283 Công ước Luật biển 1982 nếu Việt Nam muốn tiến hành khởi kiện tại bất kỳ cơ quan trọng tài hay tòa án nào theo Công ước Luật biển.

Đề thực hiện việc này, do tính chất phức tạp của tình hình, nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về ngoại giao, chính trị và đặc biệt là pháp lý, Chính phủ cần thành lập ngay Ủy ban Giải quyết xung đột về vấn đề giàn khoan HD 981 bao gồm các thành viên có chuyên môn của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các chuyên gia hàng đầu về pháp luật quốc tế tại Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cần ngay lập tức đưa ra tuyên bố quốc tế với nội dung miễn trừ trách nhiệm của quốc gia trong trường hợp xảy ra việc đánh phá, hủy hoại, tấn công giàn khoan HD 981 do các cá nhân, hoặc tổ chức thực hiện nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ Việt Nam nhằm tránh trường hợp Trung Quốc lợi dụng vụ việc để tiếp tục leo thang tranh chấp.

Chuyên gia luật biển Nguyễn Hùng Cường chỉ ra 3 bước để Việt Nam có thể giải quyết vấn đề giàn khoan HD 981
Chuyên gia luật biển Nguyễn Hùng Cường chỉ ra 3 bước để Việt Nam có thể giải quyết vấn đề giàn khoan HD 981

Bước 2: Nếu Trung Quốc từ chối đàm phán hoặc không thể đàm phán được với Trung Quốc trong thời hạn do Việt Nam ấn định, Việt Nam có thể vận dụng Điều 35 Hiến chương LHQ, kiến nghị lên Hội đồng Bảo An và Đại hội đồng của LHQ để đề nghị hai cơ quan này đưa ra các nghị quyết khi đã xuất hiện một “tình thế có khả năng dẫn đến tranh chấp” đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.  Nội dung bản kiến nghị này sẽ do Ủy ban Giải quyết xung đột soạn thảo.

Bước 3: Nếu cả hai cơ quan này đều thất bại đưa ra một nghị quyết về vấn đề “giàn khoan HD981”, hoặc có đưa ra nghị quyết nhưng Trung Quốc bất chấp công luận quốc tế và không tuân thủ nghị quyết của các tổ chức này thì Việt Nam cần xem xét các vấn đề sau:

- Thứ nhất, cơ sở mà Trung Quốc viện dẫn cho việc thiết lập giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vì họ cho rằng vị trí này nằm trong vùng nước của quần đảo Hoàng Sa. Đây là lập luận thiếu cơ sở và vi phạm pháp luật quốc tế nhằm biến vùng “không tranh chấp” thành vùng “có tranh chấp” hay nói cách khác là “tranh chấp hóa” các vùng biển trên Biển Đông. Đây là vấn đề không mới nhưng để phản bác điều đó thành công hơn biện pháp truyền thống là chỉ đơn thuần phản đối, Việt Nam có thể lựa chọn một trong hai hoặc cả hai phương án sau:

Một, đề nghị Tòa án Luật biển quốc tế đưa ra Ý kiến tư vấn về quy chế pháp lý các đảo trong quần đảo Hoàng Sa theo đó các đảo này không đủ tiêu chí để có tạo nên vùng nước quần đảo, hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, để từ đó khẳng định vị trí mà giàn khoan HD 981 đang khai thác không nằm trong “vùng nước quần đảo” hay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo. Để thực hiện việc này, Việt Nam cần ký một điều ước quốc tế với một quốc gia khác để trao cho Tòa án thẩm quyền. Việt Nam cần dùng các  biện pháp ngoại giao để thuyết phục một trong các nước như Lào, Philippines hoặc Malaysia… ký kết một điều ước quốc tế với mục đích như vậy.

Hai, kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982) để ra phán quyết về vụ giàn khoan HD 981 bao gồm 5 đề nghị:

- Tuyên bố việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 cùng 80 tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa theo Điều 56 và Điều 77 Công ước Luật biển.

- Tuyên bố việc Trung Quốc dùng các tàu của mình ngăn cản các tàu thuộc lực lượng chức năng của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét, thu giữ giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình là hành vi vi phạm quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56

- Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng an toàn 3 hải lý và cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan HD981 là trái với Điều 60 Công ước Luật biển - theo đó vùng an toàn tối đa cho một thiết bị và công trình trên biển chỉ là 500 m.

- Tuyên bố viêc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với Điều 47,48, 49 và 121 Công ước Luật biển.

- Tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không phù hợp với các quy định của Công ước.

Thứ hai, để thực hiện thành công bước 2 và bước 3 chúng ta cần sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Việt Nam cần hiểu rằng, nếu vẫn áp dụng lối mòn “phản đối ngoại giao” và chỉ có như vậy thì Việt Nam chắc chắn sẽ thua thiệt.

Trước sự vi phạm Luật Quốc tế trắng trợn, điều chúng ta cần và phải làm là chứng minh cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả sẽ là gì nếu vượt qua “đường ranh đỏ”. Nếu chúng ta chứng minh cho Trung Quốc thấy Việt Nam sẵn sàng vào cuộc và thực sự muốn áp dụng “mọi biện pháp có thể” như chúng ta đã tuyên bố để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình thì chúng ta cần thực hiện và áp dụng tuyên bố đó một cách tuần tự, theo các bước như tôi đã nói để thể hiện sự quyết tâm trong tuyên bố. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải nhìn nhận lại hành vi nếu như không muốn bị trả giá.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là các bước đi này phải thực hiện một cách nhanh chóng, càng sớm càng tốt để tránh xung đột leo thang, vì thời gian càng dài, kết quả của các bước đi chiến lược càng giảm.

Vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là rất khó khăn nhưng tôi tin dân tộc Việt Nam có đủ sức mạnh để giải quyết. Sức mạnh của chúng ta phải đến từ sự đường hoàng, chính nghĩa, sự bất ngờ trong hành động và sự can đảm nếu Trung Quốc vượt quá giới hạn. Điều quan trọng là không bao giờ được phép nhân nhượng trong vấn đề “chủ quyền.

                                                                                                    Theo Zing.vn



Các tin tức   tin tức tổng hợp   khác  

Văn bản số 151/UBND-VP6, V/v tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.


Chi tiết  
3 kịch bản cho giàn khoan Hải Dương 981

Từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và nỗ lực hết sức để bảo vệ hòa bình. Nhưng giờ đây, một lần nữa Việt Nam lại phải đối mặt với tình trạng bị "giặc đến nhà", buộc phải hành động kiên quyết theo luật pháp quốc tế.


Chi tiết  
Ai thiệt nhiều nhất khi "tăng tuổi làm, giảm lương hưu"?
 “Quỹ BHXH của Việt Nam đang trong tình trạng đáng báo động. Nếu không cải cách kịp thời thì toàn bộ quỹ BHXH sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034. Hay nói cách khác, toàn bộ lao động nam của Việt Nam dưới 40 tuổi và lao động nữ dưới 34 tuổi sẽ không được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu”.

Chi tiết  
Vụ giàn khoan 981: Thứ trưởng lỡ lời lộ âm mưu thâm độc của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ rất "khó nhằn" đối thủ này trên Biển Đông. Không chỉ vì Việt Nam chưa từng bị khuất phục trước cường quyền, mà còn bởi bài học nhãn tiền

Chi tiết  
Người dân ba miền xuống đường phản đối Trung Quốc

Tại Hà Nội, dòng người tập trung trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ngày một đông, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng biển Việt Nam. Tại Đà Nẵng, Huế, TP HCM, người dân cùng xuống đường...


Chi tiết  
Vạch mặt giàn khoan 981 Trung Quốc đưa vào vùng biển Việt Nam

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là "Hàng không mẫu hạm dầu mỏ" phục vụ cho toan tính hiện thực hóa đường lưỡi bò cũng như chiến lược khai thác dầu khí Biển Đông.


Chi tiết  
Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014

      Sáng 8/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014 với chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Phật giáo Quốc tế, chùa Bái Đính (Ninh Bình).


Chi tiết  
Hội thảo: "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung bộ"

Sáng ngày 7/4/2014, được sự thống nhất của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trường Chính trị tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học: "Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung bộ".


Chi tiết  
Cầu Long Biên và quá khứ hào hùng của “cây cầu lớn nhất thế giới”

Vào thời điểm mới xây dựng, cầu Long Biên với tên gọi Doumer, dài hơn 2km đã trở thành một trong những cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình quan trọng nhất của vùng Viễn Đông.



Chi tiết  
Thêm tài liệu quý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Sắc dụ của vua Gia Long huy động tàu thuyền và dân binh làm công vụ cho thấy, từ năm 1815 triều đình Gia Long đã sớm ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Chi tiết  

[1] 2

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






Trang chủ | Tài liệu | Giới thiệu | Lịch công tác | Liên hệ | Đăng nhập
          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com