Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1356203
Đang online: 13

          Các bài viết và sưu tầm
Vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
10/01/2022 10:54:41 SA

Mùa xuân năm 1930 tại Hương Cảng (Hồng Kông) Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đã tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, chuẩn bị tích cực các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Năm 1858, Thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta. Dưới sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, các phong trào yêu nước đã liên tiếp nổ ra trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên các phong trào này đều thất bại vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một phương pháp đấu tranh phù hợp và nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chứng kiến nỗi thống khổ của người dân và căm phẫn sự đàn áp hết sức dã man của chủ nghĩa thực dân, với lòng yêu nước nồng nàn cùng với khát vọng giành lại hoà bình, độc lập cho dân tộc, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Chính ý chí và khát vọng ấy đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó con đường cách mạng đúng đắn - cách mạng vô sản. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, việc Người quan tâm hàng đầu đó là sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy đã trực tiếp chuẩn bị những điều kiện cần thiết về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Điều này được biểu hiện trên các hoạt động cụ thể:

Về tư tưởng: Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giác ngộ Nhân dân, giữa năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của các nước thuộc địa thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, sau đó sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) vào ngày 01/4/1922. Người viết nhiều bài báo tố cáo chế độ áp bức của bọn thực dân, phong kiến đăng trên các báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế... Năm 1922, Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp được thành lập, Nguyễn Ái Quốc được cử làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu về Đông Dương. Người đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa, chỉ rõ bản chất, xác định chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới nhằm kêu gọi, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Điều đó tạo cơ sở củng cố mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc thuộc địa trong đó có Việt Nam. Từ đây, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Với những hình thức, phương pháp tuyên truyền giản đơn, dễ hiểu; những nội dung thiết thực phù hợp với trình độ, lứa tuổi của người dân, phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước làm thay đổi nhận thức của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Từ đó tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động của toàn dân tộc.

Về chính trị: Từ thực tiễn lịch sử phong trào cách mạng của thế giới lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường cách mạng của các dân tộc bị áp bức chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới. Mặt khác, Người nhấn mạnh: cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng chính quốc có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể thành công trước cách mạng chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc. Khi nhận thức về Đảng Cộng sản, Người khẳng định: cách mạng muốn giành được thắng lợi "trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(1).

Người đã phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1927, những bài giảng của Người trong các lớp huấn luyện được in thành sách lấy tên là “Đường Kách mệnh”. Trong tác phẩm, Người khẳng định vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng”(2).

Về tổ chức: Người đã trực tiếp huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”. Hội đã công bố chương trình, điều lệ của Hội với mục đích: để làm cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản). Về tổ chức gồm 5 cấp: tổng bộ, xứ (kỳ) bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Sau khi thành lập đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho những người trong tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên”. Để tuyên truyền, Hội cho xuất bản tờ báo Thanh niên in bằng chữ quốc ngữ, ra được 208 số. Tuy “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên” chưa phải là chính đảng cộng sản nhưng chương trình hành động đã thể hiện quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, là tổ chức tiền thân dẫn tới sự ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội là tổ chức trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Những hoạt động của Hội có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản.

Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, tại Việt Nam đã hình thành ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Sự ra đời ba tổ chức cộng sản khẳng định sự phát triển về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của dân tộc Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức cộng sản duy nhất ở Việt Nam. 

Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông) Trung Quốc, Hội nghị đã được tiến hành dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhất trí hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, các văn kiện đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Như vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người chuẩn bị mọi điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giữ vai trò là người kiến tạo và sáng lập.

          Hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng (1930 - 2022), chúng ta càng ghi nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Để khắc sâu công lao của Người, mỗi cán bộ đảng viên càng ra sức học tập để thấm nhuần đạo đức cách mạng của Người, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(3) tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, học tập đạo đức và phong cách của Người để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công cuộc đổi mới, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch đối với cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng trong cuộc sống.

Nguồn trích:

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.304.

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021, tr.324.

                                                                  Ths.GVC Phạm Thị Thu Hằng

                                              Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  
Công tác thi hành pháp luật trên địa bàn huyện Gia Viễn và một số kiến nghị


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com