Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1365478
Đang online: 8

          Các bài viết và sưu tầm
Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
23/02/2021 9:33:26 SA

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng bền vững.

          Trong những năm qua, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững,  UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch thực hiện hoặc lồng ghép trong các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cơ sở với những nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp cụ thể. Qua lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào đời sống, phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước và tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cùng Nhân dân trong toàn tỉnh. Đời sống văn hóa tinh tần của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Kết quả cụ thể như sau:

          Thứ nhất, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Ý thức của người dân về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được nâng cao. Các hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan, các biểu hiện thương mại, trục lợi trong các đám hiếu, đám hỷ đã và đang bị lên án, lược bỏ. Những nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội được lưu truyền và được khẳng định. 

Về việc cưới, đa số các đám cưới được tổ chức theo hướng tiết kiệm, văn minh và phù hợp với truyền thống của dân tộc, trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Mô hình cưới “6 không”([i]) đã được xây dựng, triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Việc tổ chức lễ tang ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước của cơ sở và quy định của pháp luật. Khi tổ chức đưa tang không gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn nơi công cộng, đã chấm dứt việc rải tiền Việt Nam đồng, hạn chế việc rải tiền vàng mã trên đường đưa tang, tỉ lệ các đám tang thực hiện điện táng, hỏa táng ngày càng tăng. 

Công tác quản lý lễ hội được quan tâm, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức hoạt động lễ hội từ khâu chuẩn bị, đến việc hành lễ; tổ chức các hoạt động phần hội công phu, nghiêm túc. Các địa phương xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội lành mạnh, thiết thực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán. 

Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tập trung đông người. Nhất là trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19, về cơ bản trên địa bàn tỉnh việc cưới được hoãn lại; giảm quy mô tổ chức việc tang; dừng tổ chức lễ hội, thực hiện đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các di tích trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trong khu dân cư; xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, văn minh, năng động, tiến bộ trong các cơ quan đơn vị được các cơ sở quan tâm thực hiện

Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã ban hành kế hoạch và tích cực triển khai các nhiệm vụ của Phong trào. Trong đó, tập trung xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị; đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong khu dân cư; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; xây dựng nếp sống văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, giao thông, thương mại, du lịch…; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm, văn minh, năng động, tiến bộ; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp, bài trừ mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu.

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày tại cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến từng thành viên gia đình, làm thay đổi hành vi, đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân; khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ được gìn giữ, tinh thần cố kết cộng đồng làng, xã được phát huy và trao truyền. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” được triển khai rộng khắp. Đến nay, việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai và đúng quy định, hiện có 1.679/1.679 (đạt 100%) hương ước, quy ước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã góp phần giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xóa bỏ hủ tục; phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh; xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng làng, thôn, phố, khu dân cư văn hóa.  Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, ban hành lại nội quy, quy chế làm việc theo Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; Sở Nội vụ phối hợp, lồng ghép tuyên truyền thực hiện quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước về giao tiếp ứng xử văn hóa, văn minh cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động khi thực hiện; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh phát động Cuộc vận động “Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức”; Đoàn khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội thi “Văn hóa công sở và doanh nghiệp”. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hóa. Năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,27%; tỷ lệ xã, phường có nhà văn hóa đạt 97,9%; tỷ lệ làng, bản, thôn, xóm, ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa là 90,82%.

          Thứ ba, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy, xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa, ứng xử.

Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thường xuyên các hoạt động liên quan đến công tác gia đình như: tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hàng động phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức ngày hội “Gia đình hạnh phúc”. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao; các hoạt động thăm hỏi, tặng quà những gia đình khó khăn… được tổ chức ở nhiều nơi tạo nên hiệu ứng tích cực trong đời sống của nhân dân nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, của sự yêu thương, chia sẻ và mang lại hạnh phúc cho mỗi thành viên gia đình và cộng đồng. 

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã góp phần giúp nạn nhân được ổn định về tâm lý và sức khỏe. Các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức sinh hoạt thường xuyên với những nội dung như: tư vấn, giáo dục trước hôn nhân; cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng và tổ chức cuộc sống gia đình; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình. Đến tháng 12/2020, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 145 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 1.410 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 943 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; thành lập được 1.169 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 1670 tổ hòa giải ở cơ sở.

Thứ tư, xây dựng, hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường

Các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh, phòng dịch, an toàn thực phẩm tại cộng đồng. Rác thải được tập kết rác đúng giờ, thu gom, xử lý tập trung theo quy định, hạn chế tối đa việc xả rác bừa bãi. Tuyên truyền, vận động hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và cộng đồng; đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường. Tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường định kỳ vào ngày cố định hàng tháng và vào các dịp lễ lớn như 30/4, 1/5, 2/9…

Các hoạt động hưởng ứng bảo vệ môi trường được tổ chức sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tuyên truyền và phát động 17.393 hội viên tham gia thực hiện dọn vệ sinh ngày thứ 7 ở các khu dân cư với tổng số 130 buổi vệ sinh môi trường. Kết quả đã thu gom 1.049 tấn rác thải, làm 7.707 hố rác thải, khơi thông 26.117m cống rãnh, kênh mương, trồng 29.116 cây xanh các loại. Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức phát động “Phong trào phòng, chống rác thải nhựa” đến hội viên, đoàn viên. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức người lao động tham gia phong trào chống rác thải nhựa cũng như tuyên truyền trực quan tại trụ sở về chủ đề bảo vệ môi trường năm 2020. 

Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình trồng cây xanh, xây dựng mô hình cổng nhà, sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp, như: mô hình “Sạch nhà - Đẹp đường - Xanh đồng ruộng” tại huyện Hoa Lư; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình; mô hình “Vườn mẫu” tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại xã Như Hòa, xã Yên Lộc, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn; mô hình “Đường hoa phụ nữ”… Tất cả tạo nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các địa bàn dân cư trong tỉnh.

Thứ năm, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, trật tự xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chỉ đạo triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Phong trào đã có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc với 32 mô hình trong đó có 12 mô hình là điển hình tiêu biểu có hiệu quả cao, ví dụ như: “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”, “An toàn trường học”, “Xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến”, “Quản lý thanh thiếu niên hư có vi phạm pháp luật”… Năm 2020, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện phát huy thế trận an ninh trật tự vững chắc ngay từ cơ sở gắn liền với mục tiêu 3 giảm([ii]) ở làng, khu phố văn hóa. Đội ngũ công an cấp xã, bảo vệ thôn/xóm/phố, an ninh cơ sở, dân quân tự vệ thực hiện tuần tra khép kín địa bàn đảm bảo an ninh tậ tự, đặc biệt là dịp lễ, tết, qua đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn dân, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

          Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự đồng lòng hưởng ứng của Nhân dân, số lượng thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh đã có sự phát triển vượt trội. Hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh, huyện như: Trung tâm văn hóa tỉnh; Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Bảo tàng; Thư viện; Rạp chiếu phim; Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh và các huyện, thành phố; Trung tâm Văn hóa và Thể thao các huyện, thành phố… tiếp tục được tu sửa, chỉnh trang đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. 

          Cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao cấp thôn được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 141/143 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (đạt tỉ lệ 98,6%); 136 xã, phường, thị trấn có Khu Thể thao (đạt tỉ lệ 95,1%); 1.633/1.679  thôn, xóm, phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa (đạt tỉ lệ 97,26%); 1.222 thôn, xóm, phố có Khu Thể thao (đạt 72,78%). Ngoài ra, còn có 431 công trình thể thao của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Toàn tỉnh, có 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng ở cơ sở, thu hút hàng ngàn diễn viên, hội viên không chuyên tham gia, tổ chức hàng nghìn buổi sinh hoạt. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả: Câu lạc bộ hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh; Câu lạc bộ Ca Trù (huyện Kim Sơn); Câu lạc bộ hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống nhảy (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan như múa Sạp, Cồng Chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, hát giao duyên tiếng Mường, giai điệu Mường xưa…

Có thể nói rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở Ninh Bình, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân nói chung và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng. Kết quả đó là nguồn lực tinh thần to lớn, thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân trong toàn tỉnh./.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa Nhài

 Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo số 149/BC-UBND ngày 06/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở năm 2020;

2. Báo cáo số 175/BC-UBND ngày 14/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;

3. Báo cáo số 680/BC-CTK ngày 28/12/2020 của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020.  



[i] Tiêu chí “6 không” gồm: không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi văn nghệ quá 22 giờ; tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự an ninh và tổ chức đánh bạc; không vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhất là trong quá trình đưa đón dâu.

[ii] 3 giảm gồm: giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông.

 



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com