TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH BÌNH - 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường (1956-2016) và 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11)
Như thường lệ cứ mỗi độ thu về mang theo cái se lạnh, các loài hoa thi nhau khoe sắc thì thầy, trò trong cả nước lại tưng bừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh người thầy. Nhưng phấn khởi, ý nghĩa và thiêng liêng hơn bởi, hòa chung với khí thế tưng bừng tôn vinh người thày trong tỉnh và trong cả nước năm 2016 này cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, vinh dự đón nhận cơ thi đua chính phủ. Được thành lập tháng 8 năm 1956, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển dù có nhiều tên gọi khác nhau ở từng thời kỳ, Trường Đảng Ninh Bình, Trường Hành chính tỉnh (năm 1956), Trường Đảng Trần Kiên (1958-1976), Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (1992-1996), Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình (từ năm 1996 đến nay). Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm, phối hợp, của các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh, sự chỉ đạo về chuyên môn của các cơ quan Trung ương ở các giai đoạn lịch sử, trong quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường, tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Trường bằng nghị lực, ý trí và quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng. Truyền thống vẻ vang đó càng được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Nhớ lại buổi đầu Trường mới thành lập với biết bao gian khó, trụ sở Trường Đảng tỉnh đóng tại khu nhà Hai Vỡi, thị trấn Phát Diệm; cùng thời điểm đó, Trường Hành chính tỉnh được thành lập đóng tại thôn Đông Hồ (xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh, nay là thành phố Ninh Bình). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1965 đến năm 1972), Trường Đảng và Trường Hành chính Ninh Bình phải sơ tán, di chuyển nhiều lần, đến nhiều nơi trong tỉnh, gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối năm 1965 đầu năm 1966, Trường Đảng Trần Kiên sơ tán về 7 địa điểm ở vùng nông thôn của các huyện trong tỉnh. Thời gian đầu, Trường đóng trụ sở tại khu vực chùa Lẽ (xã Ninh Mỹ, huyện Gia Khánh). Sau đó chuyển đến các xã: Gia Lập, Gia Hòa, Gia Phong, Gia Vượng, Liên Sơn, Gia Tường (huyện Gia Viễn), khu vực hang Ma, thôn Hiền Quán Nội thuộc xã Lạc Long (nay là xã Lạc Vân, huyện Nho Quan). Cơ sở vật chất của Trường Đảng Trần Kiên bị máy bay Mỹ đánh phá, san phẳng. Từ năm 1970 đến năm 1973, Trường chuyển về đóng tại khu vực núi Quèn Ổi (xã Ninh Hòa, huyện Gia Khánh) và khu vực Hang Múa (xã Ninh Xuân, huyện Gia Khánh, nay là huyện Hoa Lư). Năm 1974, Trường chuyển về đóng tại Hang Quàng (xã Trường Yên, huyện Gia Khánh) là địa điểm trụ sở cơ quan Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh đóng những năm trước đó. Mỗi lần di chuyển là một lần thử thách đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và cả với học viên của Trường. Phương tiện vận chuyển lúc đó chủ yếu là xe bò, xe đạp thồ và cả bằng đôi vai gồng gánh, khuân vác; có khi làm bè mảng vận chuyển trên sông nước. Đến nơi sơ tán, trường, lớp không có, phải dựa vào nhà dân, đình, chùa. Trường không có tủ sách, thư viện, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Nhưng Trường được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi Trường sơ tán đến, tận tình giúp đỡ, nhân dân đùm bọc tạo điều kiện thuận lợi cho Trường hoàn thành nhiệm vụ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ tháng 5/1975, Trường chuyển về đóng tại thôn Trực Độ của xã Ninh Thành, huyện Gia Khánh, nay thuộc phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) Ban đầu cơ sở vật chất của Trường là những ngôi nhà tranh, nứa, lá. Sau một thời gian ngắn, Trường được xây dựng nhà tường gạch, mái ngói, gồm: Hội trường lớn có khoảng 200 chỗ ngồi, các phòng nghỉ cho học viên. Trường trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách. Năm 1956 đến năm 1962, Trường Đảng tỉnh và Trường Hành chính được thành lập và song song tồn tại, năm 1962, Trường Hành chính sáp nhập với Trường Đảng Trần Kiên, lấy tên Trường Đảng Trần Kiên; năm 1967 Trường Hành chính tỉnh Ninh Bình lại tách khỏi Trường Đảng Trần Kiên; đến tháng 02/1976, sáp nhập hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà, thành tỉnh Hà Nam Ninh; Trường Đảng Trần Kiên hợp nhất với Trường Đảng Nam Hà lấy tên là Trường Đảng Hà Nam Ninh. Trường Đảng Ninh Bình khi thành lập (1956) mới chỉ đảm nhiệm “đăng cai địa điểm” chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đến năm 1975 đã có sự trưởng thành vượt bậc. Trường thành lập các phòng nghiệp vụ và các khoa chuyên môn giảng dạy lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên có kiến thức, trình độ và năng lực nghiệp vụ đảm nhiệm hầu hết các nội dung chương trình sơ cấp lý luận chính trị học tập trung 6 tháng, các lớp bồi dưỡng cán bộ 3 tháng, 1,5 tháng, một tháng. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên của tỉnh về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Những cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng ở Trường về cơ sở trực tiếp tổ chức lãnh đạo và hăng hái hoạt động trong phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập và hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Ngày 19/10/1992, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 378/QĐ-UBND, về việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Khi thành lập Trường gặp vô vàn khó khăn. Ðội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu về năng lực, đội ngũ cán bộ, phục vụ đông nhưng không mạnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu phòng học, thiếu điện, nước, phương tiện phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; phòng học, phòng làm việc hầu hết là nhà cấp bốn đã xuống cấp. Song được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ Nhà trường, hoạt động của Trường từng bước đi vào nền nếp và phát triển. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường và nâng lên về chất lượng. Với sự quyết tâm và nỗ lực cao của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị ủy, từ năm 1992 đến tháng 6/2016, Trường đã mở 693 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 78.800 lượt học viên (trong đó 125 lớp đào tạo, 568 lớp bồi dưỡng. Cụ thể: Trường Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I, mở 10 lớp cử nhân chính trị và cao cấp lý luận chính trị với 1.130 học viên; mở 86 lớp Trung cấp chính trị, trung học chính trị, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 7.283 học viên. Ngoài ra Trường còn liên kết với các Trường Đại học, Học viện mở 09 lớp đại học: Luật, Tài chính, Báo chí Tuyên truyền, Hành chính, với 1.844 học viên. Bên cạnh đó Trường còn phối hợp với các cơ quan đơn vị trong tỉnh mở 18 lớp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với 1.279 học viên; mở 02 lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã cho 135 học viên. Những năm qua Trường tích cực mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của tỉnh, đó là: Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy mở 01 lớp Bồi dưỡng cán bộ nguồn chủ chốt cấp tỉnh cho 86 đồng chí; mở 01 lớp chuyên viên cao cấp cho 35 đồng chí; mở 13 lớp chuyên viên chính 857; 42 lớp chuyên viên với 3.137 học viên và hàng trăm lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, khối Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp… Công tác nghiên cứu khoa học của Trường được triển khai và từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả. Từ chỗ chưa tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học thì từ năm 1998 đến nay, Trường đã được giao và tổ chức nghiên cứu 05 đề tài khoa học cấp tỉnh, tổ chức nghiên cứu 24 đề tài khoa học và 3 sáng kiến, kinh nghiệm cấp trường với những nội dung thiết thực, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Trường. Để tạo diễn đàn nghiên cứu trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, mỗi năm Trường biên tập và phát hành 01 số Nội san, đến nay đã phát hành 17 số Nội san, Trang Thông tin điện tử của Trường được khai trương tháng 9/2013 và đi vào hoạt động có hiệu quả. Trường tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 857/QĐ-UBND, ngày 20/10/2014 về phê duyệt Đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Sau gần 02 năm, Trường đã đưa 13 giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo Đề án nhằm tiếp cận cơ sở, nghiên cứu thực tiễn để từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy Như vậy, trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Trường, nhận thức được vị trí vai trò, tầm quan trọng của Trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các thời kỳ đã phân công, đề bạt, bổ nhiệm các đồng chí có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý Trường. Ngay từ khi thành lập, dù mới chỉ có 03 người, song Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng; từ đó đến nay đã có 14 đồng chí lần lượt giữ chức Hiệu trưởng, Giám đốc Trường Đảng, Trường Chính trị trong đó có 6 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 5 đồng chí là UVBCH Đảng bộ tỉnh các thời kỳ. Đã có 24 đồng chí là phó hiệu trưởng, phó giám đốc trường Đảng, Trường Chính trị. Về Trường Hành chính, thời gian đầu lần lượt do các đồng chí Ủy viên thư ký Ủy ban Hành chính tỉnh phụ trách, Đã có 04 đồng chí Hiệu trưởng Trường Hành chính tỉnh, trong đó có 01 đồng chí là Tỉnh ủy viên và 02 Phó Hiệu trưởng Trường Hành chính. Từ mái trường Chính trị tỉnh thân yêu này đã có không ít cán bộ, giảng viên được tôi luyện, thử thách, trưởng thành, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tin cậy giao những trọng trách quan trọng như Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan tỉnh; Hiệu trưởng Phó Hiệu trưởng trường, đồng chí Giang Thị Thoa Phó Hiệu Trưởng Trường, Phó Văn phòng HĐND, Phó Trưởng ban Thi đua khen thưởng, trưởng phòng của Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy. Đội ngũ cán bộ của Trường ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Khi thành lập chỉ có 03 người, đến tháng 6/2016 có 54 biên chế, đội ngũ cán bộ với trình độ chuyên môn tương đối cao và đồng đều, có 51/54 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 23 thạc sỹ, 04 cán bộ, giảng viên đang học cao học, (năm 2010 mới chỉ có 6 thạc sỹ); về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân có 03 người, cao cấp lý luận chính trị có 21 người, trình độ trung cấp lý luận chính trị có 11 người; có 01 chuyên viên cao cấp, 05 giảng viên chính và 08 chuyên viên chính. Các tổ chức Đảng, đoàn thể không ngừng lớn mạnh, số lượng và chất lượng đảng viên của Đảng bộ ngày càng được nâng lên, đến tháng 6/2016, Đảng bộ Trường có 50 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ khoa, phòng, Đảng bộ Trường được liên tục nhiều năm trường được công nhận “Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh”, Công đoàn và Chi Đoàn thanh niên được công nhận là tổ chức đoàn thể vững mạnh. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, xây dựng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Năm 1992 khi thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh, khi đó được tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường Trung học nghiệp vụ quản lý lương thực-thực phẩm, đóng trên địa bàn phường Đinh Tiên Hoàng (nay là phường Bích Đào, thuộc thành phố Ninh Bình) có diện tích 12.276 m2. Từ chỗ chỉ là nhà cấp 4 cũ nát, các phòng học, phòng làm việc xuống cấp nghiêm trọng; không có thư viện, phòng đọc, không có phương tiện giảng dạy, không trang thiết bị tối thiểu, không điện thắp sáng, không có hệ thống nước sạch và bể chứa nước… Đến tháng 12/1995, Trường đã cải tạo được 01 hội trường (150 chỗ) và 02 phòng học, 01 khu điều hành, 01 nhà ăn, 03 dãy nhà nghỉ của học viên, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng để phục vụ cho giảng dạy và học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên đến học tập tại Trường. Đến nay, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan đơn vị, nên đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với hội trường 200 chỗ ngồi, khu giảng đường với 05 phòng học từ 40 đến 130 chỗ, có đủ bàn ghế, phương tiện giảng dạy, điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, âm ly, loa đài… khu nhà nghỉ có 200 giường, nhà ăn kiên cố 02 tầng với 250 suất ăn/lần, khu nhà Đa năng… cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập, hoạt động. Công tác phục vụ giảng dạy và học tập ngày càng chuyên nghiệp, chu đáo, tận tình hơn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Những danh hiệu thi đua cao quý mà Nhà trường đạt được trong mấy chục năm qua đã tự nói lên công sức to lớn, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của bao thế hệ cán bộ, giảng viên của Nhà trường. Tập thể Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001), hạng Nhì (năm 2006) và hạng Nhất (năm 2012); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 2 lần tặng Cờ thi đua xuất sắc; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Cờ đơn vị dẫn đầu khối thi đua các ban Đảng (năm 2007) và 10 Bằng khen; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia tặng 11 Bằng khen. Tập thể các phòng, khoa chuyên môn của Trường được Thủ tường chính phủ tặng 1 Cờ thi đua xuất sắc, 5 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 53 Bằng khen. Về cá nhân: 01 đồng chí được tặng Huân chương kháng chiến, 9 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 12 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 01 giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 27 lượt cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”; 97 lượt cán bộ, giảng viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 15 lượt cán bộ, giảng viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; 26 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; 18 cá nhân được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển Học viện”, Qua sáu thập kỷ, Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình tuy có thay đổi về tên gọi, chia tách, sáp nhập, tổ chức, bộ máy ở từng giai đoạn, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trường có sự thay đổi. Đó là đào tạo, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; khoa học quản lý nhà nước tới cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, quản lý, phục vụ của Trường ngày càng được nâng cao, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó nhiều cán bộ đã giữ vị trí chủ chốt từ cơ sở đến cấp tỉnh. Năm tháng dẫu qua đi, song những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 60 năm qua, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn lượt học viên, trong đó nhiều đồng chí học viên đã trưởng thành và giữ những cương vị, trọng trách quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền từ cơ sở đến cấp tỉnh qua các thời kỳ. Những thế hệ học viên của Trường đã đóng góp được rất nhiều công sức, trí tuệ vào việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Niềm vinh dự và tự hào lớn lao của Nhà Trường là hầu hết các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh, của các huyện, thành phố và cấp xã đều đã từng học tập tại Trường. sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhiều đồng chí đang hiện diện tại buổi lễ hôm nay. Mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ, giảng viên và học viên từng công tác, học tập tại ngôi trường này đều có quyền tự hào bởi lịch sử phát triển của Nhà trường có sự gắn bó với quá trình công tác, cuộc đời mỗi chúng ta. Sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tận tâm tận lực, cộng đồng trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó là nét đẹp truyền thống của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Trường. Đạt được những thành tích lớn lao và truyền thống của Nhà trường 60 năm qua, là do có sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh các thời kỳ, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. “Thời gian thấm thoát thoi đưa”, 60 năm đã trôi qua với bao sự biến đổi thăng trầm. Trong ngày vui hội ngộ hôm nay, chúng ta không khỏi xao xuyến, xúc động, bồi hồi bởi ngôi Trường thì ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng mái tóc nhiều thày cô và học viên giờ đã bạc theo năm tháng. Bên cạnh những cán bộ, giảng viên của Trường đang có mặt tại đây, chúng ta cũng không quên những đồng nghiệp đã vĩnh biệt chúng ta về với thế giới người hiền, những đồng nghiệp do sức khỏe, công việc, ở nơi xa không về dự được buổi hội ngộ hôm nay, những đồng nghiệp đã nghỉ hưu nhưng tấm lòng vẫn hướng về Trường, mong chờ và hy sự tiến bộ, trưởng thành của nhà Trường. Chúng tôi thế hệ cán bộ, giảng viên của Trường hôm nay xin được tri ân và cảm ơn những công lao và tình cảm vô cùng quý báu của các đồng chí. Chúng tôi xin hứa, tập thể cán bộ, giảng viên của Nhà trường sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới mọi mặt hoạt động của Trường để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Mặc dù vậy trước mắt Nhà trường còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đổi mới. Để Nhà trường tiếp tục viết lên những trang sử truyền thống đẹp đẽ trong thời gian tới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp ủy Đảng chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, Đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Tự hào, phấn khởi với những thành tích đã đạt được trong 60 năm qua; tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang, nhận thức được trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, mỗi cán bộ, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình hôm nay và mai sau nguyện ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Trường ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng chung của đất nước, của tỉnh để xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
Thạc sỹ Phạm Thị Thủy Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh |