Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1368593
Đang online: 10

          Các bài viết và sưu tầm
Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
05/09/2022 4:35:58 CH

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn đã mở sang một trang mới cho lịch sử dân tộc, khởi dựng cơ đồ đất nước đến khát vọng trở thành quốc gia - dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.

Giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn Độc lập

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(1).

Tuyên ngôn Độc lập mở sang một trang mới cho lịch sử dân tộc, khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được hưởng tự do độc lập, vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam đã là một nước tự do và độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào, đồng thời cũng mở ra chặng đường xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Mặt khác, bản Tuyên ngôn Độc lập đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc trên thế giới; là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào... Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu... Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy... Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng...”(2). Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

 Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, Nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của Nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(3).

Từ những lý lẽ trên đây, kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4).

          Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập - Tự do  - Hạnh phúc; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

77 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật. Với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) với số phiếu gần như tuyệt đối.

Đặc biệt, sau 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, hiện đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 118/189 quốc gia (năm 2019); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên... Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ... Thành tựu của công cuộc đổi mới đã giúp đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Với khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, dân tộc ta không chỉ làm nên những kỳ tích trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng và thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài bởi sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và tiềm lực phát triển kinh tế.  Đại hội XIII (2021) của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5)

          Đại hội XIII thành công, được coi là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Khát vọng hạnh phúc, thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng. Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta bắt đầu tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng, đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, Nhân dân được “hạnh phúc”. Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất"(6).

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều đổi thay, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, để tiếp tục hiện thực hóa qua điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(7).

Song, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”(8). Muốn vậy, phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng bằng chủ trương, đường lối đúng; phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân; phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển;… Và điều hết sức quan trọng là phải luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện.

Tóm lại, trải qua 77 năm, đất nước Việt Nam và thế giới đã có những thay đổi sâu sắc về mọi mặt, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn có sức sống trường tồn và tính thời sự sâu sắc; tư tưởng và nội dung chủ đạo của Tuyên ngôn vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng, củng cố và giữ gìn Độc lập - Tự do - Hạnh phúc./.

                                                          ThS Nguyễn Thị Hoa Nhài

                                                          Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Chú thích:                                                                    

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb.CTQGST, H.2011, tr.1, tr.1-2, tr.3, tr.3.

(5), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, HN, 2021, tập 1, tr.25, tr.34.

(7), (8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb.CTQGST, HN, 2022, tr.21-22, tr.36.



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com