Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1356632
Đang online: 11

          Các bài viết và sưu tầm
Làm rõ nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn tại nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”
10/11/2021 3:30:49 CH

Một trong những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới đó là: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và những thành tựu sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII (2021) đã khẳng định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”1.Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở và đã được thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước chứng minh được tính đúng đắn của nó.

Thứ nhất, nội dung phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn đổi mới đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Xuất phát từ hoàn cảnh đất nước những năm đầu đổi mới, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, từ Đại hội VI (1986) Đảng ta chủ trương: Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ2; sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quản lý bằng phương pháp kinh tế là chủ yếu3…. Và thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội VI cho thấy chủ trương đó là đúng đắn, vì vậy Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(1991) đã khẳng định một trong bảy phương hướng cơ bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”4.Tại Đại hội VIII của Đảng (1996) đã đưa ra kết luận vô cùng quan trọng: Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng5.

Đến Đại hội IX (2001), khái niệm “Nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” được chính thức nêu trong văn kiện, thể hiện lập trường rõ ràng, kiên quyết của Đảng trong phát triển các thành phần kinh tế: “Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”6.

Từ Đại hội X (2006), phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là 1 trong 8 phương hướng cơ bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Khái quát lý luận này là một trong những sáng tạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lý luận mác xít trong bối cảnh mới. Đại hội XI (2011) tiếp tục khẳng định phương hướng này và chỉ rõ 04 thành phần kinh tế trong giai đoạn hiện nay: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Đây là bước tiến quan trọng khẳng định sự thừa nhận đa thành phần kinh tế và mỗi thành phần đều là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng tồn tại bình đẳng, phát triển.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ nội hàm: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh7. Để phát triển hơn nữa các thành phần kinh tế, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và lần đầu tiên Trung ương ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa7. Đây là 02 nghị quyết vô cùng quan trọng mang tính định hướng và giải pháp tiếp tục phát triển 02 thành phần kinh tế này.

Đại hội XIII đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và khẳng định nhiều thành tựu quan trọng, trong đó“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cán cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”8. Đồng thời, nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện. Thể hiện ở chỗ: hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ; nhiều rào cản tham gia thị trường được rỡ bỏ; Môi trường đầu tư được cải thiện; phát huy mạnh mẽ các thành phần kinh tế nhất là kinh tế tư nhân - ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế… Đánh giá chung 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội một lần nữa kết luận: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam”. Đồng thời chỉ rõ bản chất xã hội chủ nghĩa của mô hình kinh tế này: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”9. Hiện nay, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động. Vai trò của Nhà nước cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, về cơ bản đã thiết lập được khung pháp luật và bộ máy thực thi hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ hai, qua 35 năm đổi mới,nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chứng minh được tính đúng đắn của nó trong thực tế khi đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá và cao trên thế giới.

Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, các thành phần kinh tế đều phát huy tính hiệu quả của mình trong thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam  gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài10. Đặc biệt, thành phần kinh tế nhà nước với những cái tên như: Viettel, EVN, PVN,...đang phát triển lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà đã vươn ra thế giới.Đối với khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước. Trong đó một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh tốt như các tập đoàn: Sungroup, Vingroup, TH True milk, Vinamilk,... đã khẳng định được vị thế của sản phẩm Việt Nam, mang tầm quốc tế và có ảnh hưởng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống các loại thị trường ở nước ta đã được hình thành và từng bước phát triển. Thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường bất động sản dần được hoàn thiện hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường lao động ngày càng được chú trọng, chất lượng việc làm dần được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thị trường khoa học công nghệ có sự phát triển, kết nối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,khuyến khích chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhờ hoàn thiện nội dung và thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,Việt Nam từ một nước nghèo, thu nhập thấp, đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm cả những vấn đề mới như kinh tế số, thương mại điện tử…, xây dựng và thông qua những định hướng dài hạn như: Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, Tầm nhìn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đến năm 2040… Thời gian qua,quy mô GDP đất nước không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 343,6 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN;thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD11Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu; năm 2020 kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4% thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP đạt 2,91% thuộc nhóm cao nhất thế giới12

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy nhờ có sự phát triển ngày càng đầy đủ, hoàn thiện trong nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đưa ra đường lối đổi mới kinh tế phù hợp với yêu cầu khách quan, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của nước ta tăng trưởng vượt bậc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đúng như Đại hội XIII đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”13.

 

Tài liệu tham khảo:

1Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2021, t.1, tr59.

2,3Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2006, t.47, tr554.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2007, t.51, tr135.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2015, t.55, tr380.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H.2010, ph.2, tr.76.

7 Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

8, 9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.59,99.

10 Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản số 966 (5-2021).

11, 12, 13 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.218, 61, 25.

                     Ths. Đàm Thị Hồng

                                                                   Giảng viên khoa: Lý luận cơ sở



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com