Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1366789
Đang online: 12

          Các bài viết và sưu tầm
Phát triển kinh tế số - Điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
18/05/2021 1:51:13 CH

          Kinh tế số là một khái niệm mới, được các tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm, bàn luận nhiều trong những năm gần đây. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ,kinh tế số được dự đoán sẽ làm thay đổi căn bản về chất đời sống kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, khi đại dịch bệnh Covid-19diễn ra, phát triển kinh tế số được coi là giải pháp quan trọng nhằm giúp các nước thoát khỏi suy giảm kinh tế, đẩy cao tốc độ tăng trưởng.

          Hiện nay, về mặt học thuật thì có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm kinh tế số. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, kinh tế số (digital economy) là nền kinh tế vận hành dựa trên các công nghệ điện toán kỹ thuật số. Nhóm cộng tác kinh tế số của Trường Đại học Oxford thì xác định kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 thì lại cho rằng kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

          Ở nước ta, mặc dù kinh tế số về cơ bản là phát triển tự phát nhưng tăng trưởng khá nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhắc đến thuật ngữ kinh tế số và xác định phát triển kinh tế số là một trong những khâu đột phá quan trọng giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần thu hẹp khoảng cách tụt hậu so với các nền kinh tế lớn.

          Thực tế cho thấy, tuy khái niệm kinh tế số lần đầu được nhắc đến trong văn kiện Đại hội XIII, nhưng trước đó, trong các văn kiện của các Đại hội IX, X, XI, XII, Đảng cũng đã nhấn mạnh đến việc phải phát triển kinh tế tri thức. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó việc tạo ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, của quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Đó là một nền kinh tế công nghệ cao, sử dụng chất xám trong mọi lĩnh vực và lấy tri thức làm động lực, là công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội.Như vậy, bản thân kinh tế số là một biểu hiện của nền kinh tế tri thức. Trong điều kiện thuận lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, xây dựng thành công nền kinh tế tri thức, điều cần thiết là phải phát triển kinh tế số.Sự phát triển nhận thức của Đảng từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế thời đại hơn.

          Về đường lối, chủ trương phát triển kinh tế số, ngay trong nhiệm kỳ Đại hội XII, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số Chỉ thị, Nghị quyết để nắm bắt cơ hội phát triển đất nước như Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam… Trên cơ sở đường lối, chủ trương trên, cùng với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra sự bứt phá cho đất nước trong những thập niên tới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến phát triển kinh tế số với định hướng rõ nét và cụ thể.

          Thứ nhất, trong Văn kiện Đại hội XIII, "phát triển kinh tế số" được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một trong các đột phá chiến lược .

          Hiện nay, phát triển kinh tế số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII chỉ rõ: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”[1].

          Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, vì vậy Đại hội XIII khẳng định:đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới.Đảng ta xác định một trong những quan điểm phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đó là “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”[2].

          Trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0là chuyển đổi số. Xây dựng nền kinh tế số sẽ tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên, kể cả với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trên con đường phát triển.Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[3].

          Thứ hai, các mục tiêu phát triển kinh tế số được xác định cụ thể, rõ ràng trong Văn kiện.

          Lộ trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam được Đảng phân định cụ thể. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định giai đoạn 2021-2025 “kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”[4];và đến năm 2030 "kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số"[5]. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải là bất khả thi. Bởi lẽ, tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ số hiện nay của Việt Nam được đánh giá tương đối nhanh; các công nghệ số ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế.

          Thứ ba,Văn kiện Đại hội XIII cũng đã xác định những phương hướng và giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế số.

          Để phát triển mạnh mẽ kinh tế số, Văn kiện chỉ rõ phải tập trung vào các nội dung sau:

          Một là, phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho kinh tế số phát triển.Để làm được điều này, cần phải “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”[6].

          Hai là,phải xác định rõ động lực phát triển kinh tế số là Khoa học - Công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực số chất lượng cao, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với từng động lực. Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”[7]. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định cần phải đổi mới mạnh mẽ đối với các ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Đây là một trong những khâu quan trọng để nền kinh tế số có thể hình thành và phát triển.

          Bên cạnh phát triển khoa học - công nghệ, Văn kiện cũng nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Muốn xây dựng nền kinh tế số thì cần  “Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”[8]. Và để làm được điều này thì cần “đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật số, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ”[9].

          Ba là, phải xác định những ngành, lĩnh vực đột phá,những lĩnh vực nền tảng để phát triển kinh tế số. Trong Văn kiện Đại hội XIII đã xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như công nghệ số, thông tin,trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, thương mại điện tử…Về nền tảng kinh tế số, Văn kiện cũng xác định phải "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số"[10]. Bên cạnh đó, Văn kiện cũng cho rằng cần “phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số”[11].

          Ngoài các nội dung trên, khi đề cập đến phát triển kinh tế số, Văn kiện Đại hội XIII cũng đã quan tâm đến mặt trái của việc phát triển công nghệ số đó là vấn đề an toàn an ninh mạng, những mâu thuẫn giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, những vấn đề xã hội liên quan đến nguồn nhân lực chịu ảnh hưởng của cách mạng số…Để xây dựng nền tảng bền vững cho kinh tế số, Văn kiện xác định: “Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[12]; “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”[13]; “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin”[14]

          Phát triển kinh tế số vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng trong phát triển kinh tế đất nước. Nắm bắt đúng xu thế của thế giới, phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng, qua đó Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2045 "trở thành nước phát triển, có thu nhập cao". Vì điều kiện lịch sử, Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội để bứt phá trong quá khứ. Để nắm bắt được “cơ hội vàng” mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đến toàn thể Nhân dân. Chắc chắn rằng, với một quyết tâm chính trị cao, cách tiếp cận đúng đắn, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để bứt phá thành công, vươn lên sánh vai cùng với những cường quốc lớn về kinh tế, như điều từng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.



[1]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, tr106.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr214.

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr115.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật,tập 2, tr327.

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr225.

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr132.

[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr329.

[8]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr128.

[9]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr231.

[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr338.

[11]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr107.

[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr137.

[13] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr335.

[14] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr122.

               

                                                           Ths Phạm Thị Thanh Xuân

                                                         Khoa Xây dựng Đảng

 



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com