Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1366607
Đang online: 13

          Các bài viết và sưu tầm
Ninh bình với công tác tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
02/04/2021 2:37:54 CH

Mặt trái của sự du nhập các luồng văn hóa phương Tây đã làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Để giữ gìn các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, cần xác định trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc của mỗi cá nhân, mà là của toàn xã hội. Ngày 21 tháng 02 năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị nêu rõ mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH là “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là tổ ấm của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội”. Cùng với cả nước, ở Ninh Bình sau 15 năm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp. Từ đó, chất lượng cuộc sống gia đình ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong tình hình mới về kinh tế, dịch bệnh (điển hình là dịch covid - 19)…, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình ngày càng phát huy hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi ứng xử nhằm đáp ứng, thích nghi với những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội.

Một là, công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí của gia đình, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng gia đình, những năm qua, các Sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm tại cơ sở… về các nội dung liên quan đến công tác gia đình. Cao điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền là vào các ngày kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6) và Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).

Trong 15 năm (từ năm 2005 đến hết năm 2020), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kẻ, vẽ, treo trên 3.515 pano lớn, nhỏ và 4.600 khẩu hiệu; in ấn, nhân bản, cấp phát 874 pano mẫu, 295.000(1) tờ rơi các thông điệp về xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; tuyên truyền các nội dung, thông điệp trên bảng tin, hệ thống bảng điện tử tại trụ sở; đưa tin, bài tuyên truyền thường kỳ trên các bản tin, trang thông tin điện tử, trang fanpage của cơ quan, đơn vị cùng rất nhiều hoạt động tuyên truyền khác.

Tại cấp huyện và cơ sở, công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện rộng khắp với nhiều hình thức phong phú: tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài Truyền thanh 8 huyện, thành phố đã đưa trên 1.500 tin, bài; đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn đã phát thanh trên 195.000 lượt tuyên truyền.

Có thể thấy, nhờ công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân qua đó thúc đẩy công tác gia đình đạt hiệu quả.

Hai là, công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống bạo lực gia đình.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Hàng năm, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị đều xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của Đảng và Nhà nước về PCBLGĐ như: Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007); Chỉ thị 08/CT-TTg ban hành ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020; Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH - HĐH đất nước”; Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”. Đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 30-TT/TU ngày 19/5/2005 về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” …

Từ tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, Tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) qua các mô hình: Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới; Câu lạc bộ ngôi nhà an toàn cho trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục, cha và con thân thiện, nam giới không nghiện rượu… Năm 2008, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai mô hình điểm can thiệp PCBLGĐ tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan, sau đó nhân rộng và duy trì ở tất cả các xã, phường, thị trấn của Tỉnh. Từ năm 2010 đến nay 100% xã, phường, thị trấn lồng ghép nội dung hoạt động PCBLGĐ ở 1.410 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; 1.670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư; 943 nhóm PCBLGĐ; tạo lập và duy trì 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; thiết lập 143 đường dây nóng(2). Bên cạnh đó, các cấp ngành trong toàn tỉnh đã tập trung đổi mới các hình thức tuyên truyền về PCBLGĐ, truyền thông đến hộ gia đình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, lồng ghép nội dung về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình, với các hoạt động của “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động xây dựng “ Nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và có nhiều giải pháp cụ thể, nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền và người dân và đặc biệt là hội viên phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ được nâng lên. Nhiều chị em đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của chính mình và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ba là, vận động, giáo dục đời sống gia đình.

 Công tác thông tin, tuyên tuyền được coi là giải pháp chính để tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, góp phần cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng như: xây dựng gia đình hạnh phúc, làm cha mẹ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, nhằm kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. 

Nhiều năm qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều mô hình, phong trào giáo dục đời sống gia đình như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân” tại 01 xã ở mỗi huyện, thành phố của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; mô hình “Dòng họ tự quản”; “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc” của Công an tỉnh; phong trào xây dựng “Gia đình nông dân hạnh phúc” của Hội Nông dân; phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người cao tuổi, công tác phối hợp, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến có nguy cơ vi phạm pháp luật tại các địa phương trong tỉnh… Những hoạt động này đã khơi dậy các mối quan hệ, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, tôn tạo những giá trị tốt đẹp về nền nếp, gia phong, tôn ti trật tự, sự êm ấm của gia đình.

Có thể nói, thời gian qua công tác giáo dục đời sống gia đình đã được triển

khai đến từng hộ gia đình, từng cá nhân và đi sâu vào đời sống nhân dân. Các gia đình đã xây dựng, vun đắp những mối quan hệ nhân ái, tốt đẹp, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; chăm lo phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Bốn là, tuyên truyền, vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Thường xuyên, kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo lồng ghép việc phát triển kinh tế gia đình vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động hội viên, đoàn viên và gia đình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Mỗi gia đình chủ động phát huy nội lực, thay đổi tập quán canh tác, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình điểm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo được các ngành, đoàn thể lựa chọn tuyên truyền, nhân rộng như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của Hội Liên hiệp phụ nữ, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo” của Hội Nông dân, phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” của Hội Cựu chiến binh… Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật đặc biệt là phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, hộ nghèo được tuyên truyền sâu rộng đến tận địa bàn dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã có trên 99,3% (4)số hộ gia đình trên toàn địa bàn được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật về phúc lợi xã hội dành cho các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong 15 năm qua liên tục giảm: từ 18,2% (năm 2005) xuống còn 3,92 (năm 2014), năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh là 4,52% giảm xuống còn 3,63% năm (2018), còn 2,57% năm (2019)(3), năm 2020 hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 2%(5).

Năm là, tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” các địa phương trong tỉnh đã bám sát tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Chất lượng cuộc sống của các gia đình ngày càng cải thiện, số lượng gia đình văn hóa ở các địa phương ngày càng được nâng lên rõ rệt: năm 2011, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,38%, đến năm 2020, tỷ lệ này đã là 89,27%; tỷ lệ xã, phường có nhà văn hóa đạt 97,9%; tỷ lệ làng, bản, thôn, xóm, ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa là 90,82.(6)

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh, đô thị” đạt hiệu quả. Các cấp, ngành tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Phong trào đã được người dân tích cực tham gia thực hiện, tạo diện mạo mới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân trong công tác xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước đã thực sự phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực để nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng”./.

 

           Nguồn tài liệu:

(1); (2); (3): Báo cáo số 485-BC/TU, ngày 01/6/2020 về Tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của Tỉnh Ủy Ninh Bình.

(4): Trang web: https://vhtt.ninhbinh.gov.vn/vi/gia-dinh/ket-qua-thuc-hien-cac-muc-tieu-cua-chien-luoc-phat-trien-gia-dinh-viet-nam-den-nam-2020-tren-dia-ban-tinh-ninh-binh-

(5): Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ Tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, tr15.

(6):http://truongchinhtrinb.edu.vn/?tree_id=141.148.197.&tin_id=24296&phan

                                                         Ths. Đinh Thị Thu Hương

                                                       Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

 



Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay


Chi tiết  
Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới


Chi tiết  
Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn, giảng bài 9 “Cải cách hành chính ở cơ sở” phần Quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc của thanh niên Nguyễn Tất Thành đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện Đại hội XIII


Chi tiết  
Ninh Bình: Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới


Chi tiết  
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - Bước ngoặt của chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực


Chi tiết  
Tập thể lớp TCLL tập trung K11 tự hào khi được là học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Cũng như nhiều công chức, viên chức trẻ khác, nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành học viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình là mong ước, là mục tiêu phấn đấu của 41 học lớp lớp TCLL tập trung K11 chúng em.



Chi tiết  
Hiệu quả từ Hội thảo khoa học: Xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1


Chi tiết  
Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp


Chi tiết  
Đảng bộ huyện Kim Sơn làm tốt công tác dân vận


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Ninh Bình. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com