Cách đây vừa tròn 68 năm, cùng với khí thế tiến công tiêu diệt chủ nghĩa phát xít của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới, từ ngày 16/8 đến ngày 28/8/1945 toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dânNgày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho nhân dân cả nước đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, đưa lịch sử cách mạng Việt Nam sang một trang sử mới. Cách mạng tháng Tám thành công là một biến cố lịch sử vĩ đại trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi của cuộc cách mạng đã đập tan hai xiềng xích nô lệ của đế quốc, phong kiến khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập và làm chủ nước nhà; Đảng ta từ một đảng hoạt động bất hợp pháp trở thành một đảng hoạt động hợp pháp và lên nắm chính quyền, đặc biệt cuộc cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp. Thắng lợi của cuộc tháng Tám năm 1945 đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mà nó còn là một cuộc cách mạng cách mạng giải phóng loài người thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chủ nghĩa phát xít, góp phần bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh lật đổ ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân lao động Có được thắng lợi vĩ đại cuộc cách mạng tháng 8/1945, mở ra bước ngoặt lịch sử dân tộc là nhờ ở nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân đan xen, phối hợp, bổ sung cho nhau, tạo thành cơn đại hồng thủy chấm dứt ách thực dân. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì những bài học từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, cần được phát huy. Trước hết, đó là có đường lối đúng đắn của Đảng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, nên đã phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Trong hơn 80 năm là thuộc địa của thực dân Pháp, tất cả các phong trào chống Pháp nổ ra anh dũng nhưng đều thất bại. Chỉ đến tháng 5/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đề ra đường lối đấu tranh mới, xác định rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết hàng đầu mới có thành công. Hồ Chí Minh nói: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Bài học thứ hai là nắm vững và tranh thủ được thời cơ. Bước sang năm 1945, tình hình thế giới biến chuyển mau lẹ. Ở châu Âu, Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh dồn phát xít Đức vào thế bí trong sào huyệt cuối cùng. Ở Thái Bình Dương, quân phát xít Nhật cũng thất bại liên tiếp. Lãnh tụ Hồ Chí Minh nói với Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, ta cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Tháng Tám năm 1945 khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Đảng ta đã mạnh dạn phát động toàn dân vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Bài học thứ ba đó là xây dựng và củng cố lòng tin. Thành công của Cách mạng Tháng Tám dựa trên kết quả từ niềm tin của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng chỉ có Mặt trận Việt Minh là lực lượng có đủ năng lực và quyết tâm giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong giai đoạn phức tạp lúc bấy giờ, không xây dựng được niềm tin sắt đá đó thì không thể thành công. Vì có được niềm tin tưởng, nên số đảng viên trong toàn quốc năm 1945 chỉ có 5.000 người vẫn đủ sức lãnh đạo, dẫn dắt hàng triệu đồng bào trên khắp cả nước vùng lên giành lấy chính quyền. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, những bài học mà Cách mạng Tháng Tám 1945 để lại vẫn còn nguyên giá trị như bài học về nắm bắt thời cơ, bài học về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bài học về phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó chính là nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, kịp thời đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế trên cơ sở đổi mới từng bước về chính trị; vừa tranh thủ và phát huy sức mạnh nội lực, vừa tranh thủ, tận dụng những cơ hội của thế giới, của thời đại mang lại, để không chỉ đưa đất nước chuyển mình theo hướng tích cực, dần vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện... mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Phát huy được tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, thì công cuộc xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, theo định hướng XHCN nhất định sẽ thành công GV. Phạm Văn Khoản, khoa Xây dựng Đảng
|