Trong bối cảnh
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là
tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị là một trong những mục
tiêu quan trọng của Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới
và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Thủ tướng
Chính phủ giao Hội Liên hiệp Phụ nữ ((LHPN) Việt Nam chủ trì thực hiện. Để phụ
nữ chuẩn bị ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026
- 2031, trong đó có nữ ứng cử viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong
02 ngày (05 và 06/6/2025), tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt
Nam tổ chức lớp “Tập huấn giảng viên nguồn về kiến thức, kỹ năng đối với nữ ứng
cử viên đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 -
2031. Khóa tập huấn có đối tượng tham gia là lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh,
Sở Nội vụ, giảng viên Trường chính trị của 20 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là
hoạt động thiết thực, kịp thời nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội
ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác đào tạo và hỗ trợ phụ nữ chuẩn bị tốt ứng cử
đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, góp phần nâng cao năng lực và sự tự
tin cho phụ nữ trong hành trình tham gia lĩnh vực chính trị.
Khóa tập huấn tập
trung vào 04 chuyên đề trọng tâm, được thiết kế khoa học, hợp lý, kết hợp lý luận
với thực tiễn, qua đó truyền tải những tri thức, kỹ năng thiết yếu cho giảng
viên các trường chính trị tham gia khóa tập huấn.
Chuyên đề 1: Khái quát về hệ thống chính trị
Việt Nam, Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Chuyên đề đã cung cấp một cách tổng quan về hệ thống chính trị Việt Nam,
vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, phần
trọng tâm hướng tới việc hiểu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và
HĐND các cấp, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Thông qua chuyên đề này, giảng viên tham dự lớp học có được cái nhìn toàn
diện để truyền đạt lại cho các nữ ứng cử viên hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, sứ
mệnh mà họ sẽ đảm nhiệm nếu trúng cử, từ đó củng cố động lực và tinh thần trách
nhiệm trong quá trình tham gia bầu cử.
Chuyên đề 2: Cơ sở lý luận
và thực tiễn phụ nữ tham gia chính trị
Chuyên đề này đề cập tới sự cần thiết của việc thúc đẩy phụ nữ tham gia
chính trị cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Các văn bản pháp lý quốc tế
như Công ước CEDAW, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về
công tác cán bộ nữ đã được phân tích cụ thể. Đồng thời, chuyên đề chỉ ra thực
trạng tỷ lệ nữ trong cấp ủy các cấp, nữ đại biểu Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó,
chuyên đề nhấn mạnh, chỉ rõ những rào cản đang tồn tại như định kiến giới, cơ
chế chính sách chưa thuận lợi, sự tự ti từ chính bản thân phụ nữ.
Đây là chuyên đề cơ sở lý luận quan trọng giúp các giảng viên xây dựng nội
dung truyền thông, động viên, hướng dẫn nữ ứng cử viên vượt qua rào cản, tự tin
khẳng định năng lực trong quá trình tham chính.
Chuyên đề 3: Kỹ năng xây dựng
và trình bày chương trình hành động
Chuyên đề cung cấp những hướng dẫn cụ thể và bài bản về cách xây dựng một
chương trình hành động hiệu quả bao gồm: cấu trúc nội dung, phương pháp trình
bày và kỹ năng xử lý các câu hỏi, tình huống thực tiễn mà nữ ứng cử viên có thể
gặp phải trong quá trình vận động bầu cử.
Giảng viên nguồn tham gia khóa học được cung cấp bộ khung hướng dẫn cũng
như kỹ năng huấn luyện cho nữ ứng cử viên cách trình bày chương trình hành động
trước cử tri sao cho thuyết phục, phù hợp thực tiễn và thể hiện được cam kết
trách nhiệm của mình nếu trúng cử.
Chuyên đề 4: Các vấn đề cơ bản
về truyền thông; kỹ năng tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của báo chí và xây dựng
hình ảnh cá nhân
Đây là chuyên đề rất thiết thực, giúp nữ ứng cử viên hiểu rõ vai trò của
truyền thông trong chiến dịch tranh cử, những kỹ năng ứng xử, trả lời với báo
chí, cách xây dựng hình ảnh cá nhân chính trực, gần dân, chuyên nghiệp.
Với giảng viên các
trường chính trị tham gia lớp học, chuyên đề này là cơ sở để thiết kế những buổi
tập huấn sinh động, gắn thực hành với tình huống truyền thông thực tế, từ đó
giúp nữ ứng cử viên rèn luyện khả năng tương tác, trả lời báo chí, sử dụng mạng
xã hội hiệu quả và an toàn, nếu được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động đào
tạo, bồi dưỡng hỗ trợ ở địa phương.
Sau 02 ngày làm
việc với tinh thần nghiêm túc, tích cực, Khóa tập huấn đã hoàn thành mục tiêu
trang bị cho các giảng viên nguồn những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, phục vụ
hiệu quả cho công tác bồi dưỡng nữ ứng cử viên đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 -
2031. Các giảng viên nguồn tham gia chương trình đều đánh giá cao về khóa tập
huấn trên các tiêu chí: sự phù hợp của chương trình tập huấn, mức độ hoàn thành
so với mục tiêu đề ra, chất lượng bài giảng, chất lượng chuyên gia và cơ sở vật
chất, công tác chuẩn bị, tổ chức khóa tập huấn.
Là một giảng
viên của trường chính trị tỉnh, khóa tập huấn đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng
tích cực với những trải nghiệm thú vị, thể hiện qua nhiều phương diện cụ thể: Nội dung chuyên đề bám sát thực tiễn, có sự
lồng ghép giữa lý luận và những ví dụ điển hình từ các kỳ bầu cử trước, giúp học
viên nắm bắt nhanh và dễ áp dụng trong giảng dạy. Từ đó, khóa học đã truyền cảm
hứng mạnh mẽ, giúp giảng viên tin tưởng hơn vào sứ mệnh đào tạo và phát triển đội
ngũ nữ ứng cử viên trong nhiệm kỳ mới.
Kết thúc những nội dung của từng chuyên đề,
giảng viên đều đưa ra các bài tập thực hành, từ đó khóa tập huấn có sự tương
tác cao. Các bài tập tình huống, phần trình bày chương trình hành động mẫu và
phản hồi của giảng viên, chuyên gia đã tạo ra môi trường huấn luyện mô phỏng thực
tế, giúp học viên tiếp thu kỹ năng một cách sinh động và chủ động.
Bài tập thực hành của giảng viên nguồn về kỹ năng tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của báo chí.
Bên cạnh đó, khóa học trở thành diễn đàn kết nối
giữa những người làm công tác giảng dạy, tổ chức bầu cử và hỗ trợ phụ nữ tham
chính, từ đó hình thành một mạng lưới chuyên gia giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đồng
hành cùng các địa phương trong công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội và HĐBD
các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Giảng
viên và tất cả học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Khóa tập huấn
không chỉ là một hoạt động đào tạo chuyên môn, mà còn mang ý nghĩa lớn, thể hiện
quyết tâm thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, góp phần nâng cao
chất lượng đại biểu dân cử. Qua 04 chuyên đề được triển khai bài bản, khóa học
đã giúp đội ngũ giảng viên nguồn nắm vững kiến thức nền tảng về HĐND, đại biểu
HĐND, phương diện lý luận và thực tiễn phụ nữ tham gia chính trị va kỹ năng xây
dựng, trình bày chương trình hành động; tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của
báo chí và xây dựng hình ảnh cá nhân, từ đó hướng dẫn ứng cử viên nữ, củng cố
tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng đội ngũ đại biểu nữ HĐND các
cấp có bản lĩnh, năng lực và tâm huyết.
Để phát huy hiệu
quả và lan tỏa những giá trị tích cực từ khóa tập huấn, từ góc độ là học viên
tham dự, tôi xin kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, cần tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng
dành riêng cho ứng cử viên nữ tại các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng
xa, vùng dân tộc thiểu số, nơi mà tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị còn thấp và gặp
nhiều rào cản. Hình thức có thể linh hoạt (trực tiếp, trực tuyến), nhưng cần bảo
đảm nội dung sát thực tiễn địa phương.
Hai là, nên xây dựng một bộ tài liệu đào tạo
chuẩn dành cho giảng viên và học viên trong công tác bồi dưỡng nữ ứng cử viên,
bao gồm tình huống điển hình, kỹ năng thực hành, hướng dẫn trình bày chương
trình hành động, cách làm việc với truyền thông ... Bộ tài liệu này cần được cập
nhật phù hợp với từng kỳ bầu cử và bối cảnh xã hội.
Ba là, đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa
các bộ, ngành, đoàn thể (như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ…), đặc biệt là sự phối hợp với trường chính trị cấp
tỉnh trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, nhằm bảo đảm tính liên thông, thống
nhất và huy động hiệu quả nguồn lực trong đào tạo nữ cán bộ lãnh đạo quản lý
nói chung và nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Bốn là, sau khóa tập huấn, Hội LHPN các cấp
cùng các cơ quan hữu quan cần có cơ chế hỗ trợ theo dõi, tư vấn và đồng hành
cùng các nữ ứng cử viên trong suốt quá trình tham gia bầu cử, từ khâu chuẩn bị
hồ sơ, tiếp xúc cử tri, truyền thông vận động đến sau bầu cử, nhằm giúp họ
không chỉ “trúng cử” mà còn “làm tốt” vai trò của người đại biểu dân cử.
Khóa Tập huấn
giảng viên nguồn về kiến thức, kỹ năng đối với nữ ứng cử viên đại biểu HĐND nhiệm
kỳ 2026 - 2031 là hoạt động thiết thực,
có ý nghĩa to lớn đối với giảng viên nguồn và nữ ứng cử viên Quốc hội và HĐND
các cấp. Với nội dung khoa học, sát thực tiễn và phương pháp tập huấn hiện đại,
khóa học không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ giảng
viên mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm, truyền cảm hứng và củng cố niềm tin
vào năng lực, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Những giá trị và
kinh nghiệm thu nhận được từ khóa tập huấn sẽ là nền tảng quan trọng để đội ngũ
giảng viên nguồn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hiệu quả cho nữ ứng cử viên, góp phần
xây dựng đội ngũ đại biểu dân cử bản lĩnh, tâm huyết và đại diện xứng đáng cho
tiếng nói của Nhân dân./.
Ths.GVC Đinh Thị Thu Hương
Giảng
viên Khoa Nhà nước và pháp luật
|