Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một
trong những động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tại tỉnh
Ninh Bình, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và
sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước
phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng
GRDP, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống
nhân dân.
Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước về
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời gian qua, tỉnh
Ninh Bình đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi
trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế
tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững:
Thứ nhất, Tỉnh kịp thời thể chế hóa các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với
thực tiễn phát triển của địa phương.
Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành
một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng
và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và các
chương trình hành động của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chương
trình hành động và kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời thể chế hóa như: Chương trình
hành động số 16-CTr/TU, ngày 28/8/2017 thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; Kế hoạch
số 164-KH/TU, ngày 19/01/2024 về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Ban cán sự Đảng
UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các kế hoạch: Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày
05/10/2017 về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày
28/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 24/5/2023 triển
khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành
Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW giai đoạn 2023
- 2025 và những năm tiếp theo, Kế hoạch số 164-KH/TU, ngày 19/01/2024 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt
Nam trong thời kỳ mới. Các văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống
nhất, giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô
sản xuất, phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, thực hiện rà soát, sửa đổi và ban
hành cơ chế, chính sách nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh
doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận
lợi, bình đẳng, minh bạch để khuyến khích các hộ kinh doanh có tiềm năng mở rộng
đầu tư, chuyển đổi thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa,
doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng thực chất, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc,
làm động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phấn đấu sớm
xây dựng Ninh Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trung bình khá và đến
năm 2030 thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Sông Hồng. Tỉnh đã ban hành các nghị
quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện (Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện
tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế
hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 triển
khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số
28/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ
trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban
hành Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ, ngày 09/01/2018 về đẩy mạnh cải cách hành chính,
trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải
pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh;....), trong
đó nổi bật là thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư,
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho kinh
tế tư nhân phát triển. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ hằng
tháng giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp để trao đổi tất cả các vấn đề
doanh nghiệp quan tâm, ý kiến và tổ chức các hội nghị lớn gặp gỡ doanh nghiệp
trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI)... đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp
vào chính quyền nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và
tình hình chính trị - kinh tế thế giới biến động, tác động lớn tới hoạt động sản
xuất và đời sống xã hội.
Thứ ba, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới
sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động.
Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, tỉnh
đã chú trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
kinh doanh. Trên cơ sở các chương trình quốc gia về phát triển khoa học, công
nghệ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 quy định
chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho
các sản phẩm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
giai đoạn 2017- 2020 và Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về việc
hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất
nguồn gốc sản phấm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh
Ninh Bình đến năm 2025. Thông qua đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện nhiệm
vụ khoa học công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đặc
thù của địa phương, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: Nem chua
Yên Mạc, Nếp hạt cau Ninh Bình, Đào phai Tam Điệp, Chè trại Quang Sỏi, Bún mọc
Kim Sơn, Rau cần Yên Hòa, Trà hoa vàng Cúc Phương, Sen Hoa Lư, Hàu giống Kim
Sơn và Dưa Gia Viễn. Bên cạnh đó tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp
nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ và tiếp cận các nguồn vốn của tỉnh, Trung
ương. Từ năm 2017 đến tháng 9/2023, đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp triển khai thực
hiện 17 đề tài, dự án khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách Trung ương trong
các lĩnh vực, cụ thể: 03 đề tài, dự án cấp quốc gia do Công ty cổ phần Tập đoàn
Công nghiệp Quang Trung chủ trì thực hiện; 14 dự án nông thôn miền núi do các
doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức thực hiện. Hỗ trợ 42 lượt doanh nghiệp triển
khai thực hiện 45 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, tập
trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp1. Thông qua
các chính sách hỗ trợ sở hữu trí tuệ, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất
nguồn gốc hàng hóa và chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ,
nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng
sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh
cũng tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt
khuyến khích giới trẻ, phụ nữ và hộ sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi mô
hình hoạt động, qua đó tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển
dài hạn của khu vực tư nhân. Với những nỗ lực nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
sản xuất, kinh doanh, các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, các hộ sản xuất kinh
doanh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và đã đem lại
hiệu quả cao. Kết quả nổi bật trong giai đoạn 2019-2022, tổng nguồn vốn ngân
sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội triển khai hỗ trợ thanh niên
khởi nghiệp là 30 tỷ đồng; đã triển khai hỗ trợ cho 506 mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ; các cấp hội
(tổ chức chính trị - xã hội) đã cho trên 50.000 hội viên vay vốn để phát triển
kinh tế gia đình, trang trại, gia trại với tống số vốn trên 3.000 tỷ đồng; hỗ
trợ 812 phụ nữ khởi nghiệp2. Một số mô hình, dự án được hỗ trợ vay vốn
khởi nghiệp đã phát huy hiệu quả có doanh thu ổn định như: mô hình trồng nông sản
sạch tại Phố 7, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh; mô hình nuôi trồng tảo xoắn
Spirulinna tại thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; mô hình chăn nuôi gà
đông tảo tại thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; mô hình phát triển,
nuôi tôm công nghiệp khu vực nước mặn tại xóm 1, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn...
Hỗ trợ kinh tế tư nhân thực hiện chuyển đổi
số, tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển
thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025. Chú trọng
mở rộng khả năng tham gia thị trường và đẩy mạnh cạnh tranh bình đẳng cho các
doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến tháng 9/2023, đã hỗ trợ kinh phí triển khai ứng dụng
thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho hơn 800 đơn vị với tổng
kinh phí từ ngân sách là trên 30 tỷ đồng. Ngoài ra, đã phối hợp với Cục Thương
mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã
tham gia các gian hàng miễn phí trên các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam
như sendo, tiki, lazada...; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tham
gia chương trình xúc tiến bán hàng trên nền tảng ECVN; tổ chức Hội nghị tập huấn
“Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứtt phá”. Qua đó, giúp các đơn
vị có thêm kênh quảng bá, giới thiệu sản phấm theo hướng hiệu quả, tiết kiệm
chi phí, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phát
triển kinh tế số, thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đưa các sản phẩm tiêu
biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Thứ tư, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển của kinh tế tư
nhân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động
giám sát và phản biện xã hội, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng,
chính quyền với Nhân dân, doanh nghiệp. Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động
trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò trong giám sát, phản biện xã hội bảo
đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực
kinh tế tư nhân.
Tỉnh thực hiện đổi mới
nội dung, phương thức hoạt động nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng
cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp
đối với kinh tế tư nhân thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện các nghị
quyết: Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 13/3/2017; Kế hoạch số 50-KH/TU, ngày 13/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng
cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và các
đoàn thể chính trị xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa
bàn”; Quyết định số 651-QĐ/TU, ngày 19/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban
hành quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy khối doanh nghiệp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan trong công tác tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu
quả hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các
doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện đồng bộ và
hiệu quả các giải pháp cơ bản trên, kinh tế tư nhân tỉnh Ninh Bình trong giai
đoạn vừa qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến ngày 28/02/2025, trên địa bàn
tỉnh có 6.720 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó, công ty TNHH là 5.242
doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là 558 doanh nghiệp, công ty cổ phần là 920
doanh nghiệp), với tổng vốn điều lệ đã đăng ký là 89.113 tỷ đồng3.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động tập trung ở một số lĩnh vực như:
xây dựng; bán buôn, bán lẻ, lắp ráp ô tô; nông nghiệp, thủy sản. Trình độ công
nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng tăng cao đã góp phần quan
trọng duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao của tỉnh qua các thời kỳ, giai
đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 8,9%/năm; giai đoạn 2020-2024, mặc dù chịu tác
động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn thuộc nhóm các tỉnh đạt
tăng trưởng ở mức khá so với cả nước. Quy mô nền kinh tế của địa phương không
ngừng được mở rộng, đến hết năm 2024, GRDP đạt gần 56.777 tỷ USD, tăng 8,52% so
với năm 2023, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng
thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15
chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó,
hoàn thành vượt mức 14 chỉ tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng
tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, tính đến hết năm 2024, tỷ trọng ngành công nghiệp
- xây dựng chiếm 41,7%, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 48,2%, tỷ trọng ngành
nông, lâm, nghiệp, thủy sản chiếm 10,1%4.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được, chúng ta tin
tưởng rằng kinh tế tư nhân tỉnh Ninh Bình cùng với kinh tế tư nhân trong cả
nước sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành
công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia,
góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc
tế.
Ghi chú:
[1],[2] Báo
cáo số 375 – BC/TU, ngày 22/9/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về sơ
kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một
động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
[3],[4] Báo
cáo số 849/BC-STC ngày 18/3/2025 của Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình về Xây dựng Đề
án phát triển kinh tế tư nhân tỉnh Ninh Bình.
Ths. Phan Thị Hiền
Giảng viên Khóa Lý luận cơ sở
|