Nghiên cứu khoa học > Các bài viết và sưu tầm   
           Nghiên cứu khoa học
Skip Navigation Links.

          Hỗ trợ online
 Liên hệ

          Liên kết website






          Thống kê sử dụng
Đã truy cập: 1684990
Đang online: 38

          Các bài viết và sưu tầm
Nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
21/02/2025 5:01:15 CH

Đào tạo trung cấp lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức và phát triển tư duy lý luận cho cán bộ, đảng viên; mục tiêu là trang bị kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; củng cố nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đối tượng học chương trình trung cấp lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -  xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng, ban của sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác. Đây là đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ này có ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hệ Trung cấp lý luận chính trị thực hiện theo Quyết định số 292- QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, gồm 16 học phần, chia thành 5 khối kiến thức do 3 khoa chuyên môn đảm nhiệm giảng dạy:

Khoa Lý luận cơ sở giảng dạy, trang bị cho người học nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là những giá trị cốt lõi, những giá trị lý luận trường tồn, mà trước hết là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết về giá trị thặng dư; học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; học thuyết về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền; lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về giải phóng và phát triển toàn diện con người. Học viên nghiên cứu và thấm nhuần những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở để nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phân tích, diễn giải, bằng những lập luận có căn cứ khoa học, chỉ ra những luận điểm có tính chất sai lầm, phản động, phản khoa học của các quan điểm mà các thế lực thù địch đưa ra; bác bỏ những quan điểm sai trái, khẳng định giá trị khoa học và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khoa Xây dựng đảng giảng dạy, chứng minh một cách thuyết phục sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh của nhân dân Việt Nam; làm rõ quá trình hình thành, phát triển và vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trang bị cho học viên nhận thức sâu sắc nguyên tắc tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đảng Cộng sản; hiểu đúng mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng... đều nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; giúp học viên nhận thức được những thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đạt được trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước là minh chứng cho giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đồng thời, những thành tựu này là minh chứng hùng hồn để đập tan các luận điệu xuyên tạc đang từng ngày từng giờ chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Khoa Nhà nước và pháp luật giảng dạy, trang bị cho người học những kiến thức về nhà nước và pháp luật, về quản lý hành chính nhà nước, kỹ năng lãnh đạo quản lý và 1 số chuyên đề bổ trợ giúp học viên có khả năng vận dụng kiến thức lý luận được trang bị để xử lý các vấn đề thực tiễn một cách khoa học, hiệu quả; có khả năng tham mưu và xây dựng chính sách, giao tiếp và thuyết trình tốt để tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nhanh chóng, chất lượng, trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực liên quan để xử lý các tình huống mới, phức tạp trong lĩnh vực công tác… Trên cơ sở đó, củng cố niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bồi đắp bản lĩnh chính trị, giúp học viên vững vàng, bản lĩnh, không dao động trước mọi tình huống; quyết tâm, quyết liệt trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố niềm tin của xã hội, của Nhân dân vào Đảng, huy động Nhân dân vào bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.

          Để nâng chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

          Đối với giảng viên:

Một là, xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Mỗi người giảng viên cần phải có niềm tin, bản lĩnh chính trị vững vàng là yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với giảng viên ở trường chính trị. Bởi lẽ, để dạy tốt, truyền đạt tốt và làm cho người học tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin thì trước hết, bản thân người dạy phải có niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, vào nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Mỗi người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần nâng cao bản lĩnh chính trị xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và xem đây là sự nghiệp vẻ vang của người giảng viên lý luận chính trị mà Đảng đã giao phó. Đồng thời, không hoang mang, dao động trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch thì mới đủ khả năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Hai là, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên.

Mỗi giảng viên phải không ngừng tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; cập nhật thường xuyên, kịp thời những vấn đề thời sự, chính trị trong nước, quốc tế; tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị nhằm tăng tính đảng, tính chiến đấu cho các bài giảng; đồng thời định hướng cho học viên tham gia nhiệm vụ chính trị này để tạo thành một mạng lưới đấu tranh rộng khắp. Ngoài việc dựa vững chắc trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, để có một bài giảng dễ hiểu và mang tính thuyết phục cao, giảng viên cần phải lồng vào trong bài giảng những minh họa bằng những ví dụ thực tiễn sinh động để hấp dẫn người học, làm cho người học hứng thú khi tiếp nhận bài giảng. Chính yếu tố này làm cho tính thuyết phục của bài giảng được nâng cao.

Ba là, đổi mới phương thức trong giảng dạy lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Mỗi chuyên đề giảng viên phải linh hoạt, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tranh luận, lý giải các vấn đề mang tính thời sự, đặc biệt là xây dựng và phát triển kỹ năng phản biện cho học viên. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên, tính chiến đấu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các giảng viên cần đa dạng các phương pháp tích cực vào phần thảo luận để thu hút sự chủ động của học viên như: phương pháp tình huống, đóng vai, vẽ sơ đồ, trực quan hóa trong giảng dạy, mời chuyên gia… Thông qua các giờ thảo luận sôi nổi, người học sẽ được đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống thực tiễn, tranh luận, phản biện vấn đề… từ đó neo chốt các kiến thức cơ bản, định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin và thúc đẩy hành động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt quan tâm, đổi mới phương pháp để giúp học viên biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, sau khi học xong TCLLCT học viên có năng lực tự học, tự nghiên cứu nâng cao trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhà trường có thể tổ chức triển khai nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch dưới nhiều hình thức như thông qua các diễn đàn sinh hoạt chi bộ, hội thảo khoa học cấp Trường, cấp tỉnh… Đặc biệt, mỗi nhà trường nên có một trang facebook và trang web dành một chuyên mục riêng trong hoạt động khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nơi để các giảng viên, học viên sử dụng ngòi bút chính luận với những lập luận sắc bén, chặt chẽ, những luận cứ, luận chứng khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính thời sự nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vu khống, bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử để củng cố, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối với học viên:

          Một là, mỗi học viên cần nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, nhận thức sâu sắc lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh do “kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[1], từ đó có ý thức, có động cơ, thái độ học tập đúng đắn.

Hai là, mỗi học viên cần nhận thức việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Nghị quyết 35) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong học trung cấp lý luận chính trị để có sự nhận thức đúng đắn về nội dung, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 35 và trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học viên chứ không chỉ đơn thuần là thực hiện một cuộc vận động hay phong trào. Sự tự giác, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu của học viên kết hợp với sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của giảng viên sẽ lôi cuốn, truyền cảm hứng và khơi dậy mạnh mẽ ý thức, trách nhiệm của học viên trong việc thực hiện Nghị quyết 35.

          Ba là, trên cơ sở nhận thức về trách nhiệm của học viên đối với việc thực hiện Nghị quyết 35, mỗi học viên cần xác định rõ động cơ học tập của bản thân để không ngừng học tập, nghiên cứu nhằm nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành thế giới quan và phương pháp luận của mỗi người trong cuộc sống và công việc, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và bảo vệ những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được.

            Như vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phát huy vai trò của người giảng viên, đổi mới phương thức giảng dạy trong quá trình dạy học và nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên để trước những thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, từng học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có trình độ lý luận sắc bén để đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

                          Ths. Trần Thị Ngọc Mai

                          Phòng QLĐT&NCKH



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 233-234.




Các nghiên cứu khoa học   các bài viết và sưu tầm   khác  

Một số chỉ dẫn của V.I.lênin về sự kết hợp các mặt đối lập và sự vận dụng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay


Chi tiết  
Chi đoàn Thanh niên Trường Chính trị Ninh Bình thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội điểm Đảng bộ Trường Chính trị Ninh Bình


Chi tiết  
Trường Chính trị Ninh Bình tổ chức đoàn nghiên cứu và học tập kinh nghiệm xây dựng trường chính trị chuẩn mức 2 tại Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng


Chi tiết  
Những chỉ dẫn quý báu từ tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’’


Chi tiết  
Ninh Bình - Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến du lịch, hỗ trợ du khách


Chi tiết  
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” vào thực hiện công tác dân vận giai đoạn hiện nay


Chi tiết  
Lồng ghép việc phản bác các luận điệu sai trái về kết quả cải cách hành hính trong giảng dạy chuyên đề “Cải cách hành chính ở cơ sở” - Chương trình Trung cấp lý luận chính trị


Chi tiết  
Giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể - Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô


Chi tiết  
Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường chính trị tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn mức 2


Chi tiết  
Kết quả nổi bật về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình


Chi tiết  

[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

          Tìm kiếm nhanh
Từ ngày
Đến

          Thư viện ảnh



       Ngày nhà giáo 20/11/2023






          .....

Trang thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ
: Phường Bích Đào - Thành Phố Hoa Lư. Điện thoại: (0229) 3 871 141
 Email: truongchinhtri.tnb@gmail.com hoặc daotaonb@gmail.com